TIN TỨC

Úc thông qua luật chặn các website vi phạm bản quyền

Luật mới của Úc cho phép chủ sở hữu nội dung xin lệnh cấm truy cập website nước ngoài phát tán nội dung vi phạm bản quyền.

Thượng nghị viện Úc vừa thông qua luật gây tranh cãi, cho phép nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chặn truy cập vào các website nước ngoài phát tán nội dung vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, trang nào bị chặn không nằm trong quyền hạn của ISP mà là của những cá nhân, tổ chức nắm giữ nội dung bản quyền (hãng phim, hãng thu âm…). Họ có thể đệ đơn lên tòa án liên bang để yêu cầu ISP chặn các website có “mục đích chính” là chia sẻ bất hợp pháp các nội dung bản quyền.

 

Một trong các vấn đề lớn nhất mà các nhà phản đối luật đưa ra là thiếu định nghĩa rõ ràng và biện pháp nhằm tránh lạm dụng luật. Cụm từ “mục đích chính” không được mô tả rõ trong luật hay không chỉ ra được hành động hay dịch vụ bị xếp vào diện “tạo điều kiện” cho vi phạm bản quyền.

 

Nhiều người lo ngại các công ty và chính phủ có thể dùng luật để chặn các website lưu trữ nội dung bất hợp pháp như Dropbox ngay cả khi đó không phải “mục đích chính” của họ. Một lo lắng nữa là họ e sợ lại xảy ra sai sót như mùa hè năm 2014, khi Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc tiết lộ đã vô tình chặn hơn 250.000 website vô hại vì nhân viên nhầm lẫn cơ bản về cách thức hoạt động của địa chỉ IP và Internet.

 

Pirate Bay là một trong số các trang có thể bị ảnh hưởng bởi luật mới của Úc. Ảnh: Internet

 

Để hiểu thêm về luật mới của Úc, trang Mashable đã tóm gọn trong một số câu hỏi – đáp dưới đây:

 

Cách thức hoạt động

 

Chủ sở hữu nội dung, như phim và nhạc, có thể gửi đơn lên Tòa án Liên bang để xin lệnh cấm các website nước ngoài như Pirate Bay, các trang có “mục đích chính” là tạo điều kiện để vi phạm bản quyền. Nếu thành công, lệnh cấm có thẻ buộc các ISP như Telstra hay Optus chặn truy cập trang này.

 

Có thể dùng VPN để “vượt rào” không?

 

Chính phủ Úc cho biết mạng riêng ảo (VPN) giúp mọi người duyệt web ẩn danh không phải đối tượng của luật.

 

Mục đích của luật là gì?

 

Tùy thuộc vào người mà bạn hỏi câu này là ai mà sẽ có câu trả lời khác nhau. Chính phủ và chủ sở hữu nội dung, như hãng phim Village Roadshow, cho rằng luật là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp sáng tạo trước các hành vi tải lậu. Theo ông chủ hãng truyền hình trả tiền Foxtel, Richard Freudenstein, xâm phạm bản quyền ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp đang nuôi sống hàng trăm ngàn người dân Úc.

 

Bên kia “chiến tuyến”, các nhà phê bình cáo buộc chính phủ Úc đã đứng về phía lợi ích của doanh nghiệp. Có một số báo cáo cho rằng phòng phụ trách luật đã không gặp bất kỳ đại diện của ISP hay người tiêu dùng khi đưa ra dự thảo mà chỉ gặp gỡ Hiệp hội Ghi âm Úc, Foxtel...

 

Luật có hiệu quả không?

 

Có thể có, có thể không. Nếu mọi người muốn nội dung vi phạm bản quyền, họ vẫn tìm ra cách. Sau khi 4 tập đầu của bộ phim Game of Thrones bị rò rỉ trên mạng, người Úc vẫn đứng đầu thế giới về số lượt tải về bất hợp pháp dù phim này đang được chiếu trên các kênh trả tiền của Foxtel.

 

Bên cạnh đó có một số lo ngại về hậu quả của người dùng Internet Úc. Dù luật chỉ ảnh hưởng đến các website “tệ của tệ” như Thượng Nghị sỹ Jacinta Collins khẳng định, có khả năng luật sẽ bị lạm dụng để chặn truy cập vào cả website hợp pháp.

 

Điều gì xảy ra tiếp theo?

 

Matthew Rimmer, Giáo sư tại Cao đẳng Luật thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định luật mới là “chuyến picnic của luật sư và ác mộng của quan tòa”. Ông lo ngại ngoài mục đích chính đáng, một số chủ sở hữu nội dung có thể lợi dụng quyền lực mới để đe dọa hàng loạt website nước ngoài.


(Nguồn: BaoUc)