TIN TỨC

Thay đổi bài thi SAT tận gốc rễ

Kỳ thi SAT mà kết quả được nhiều trường đại học Mỹ sử dụng làm một trong những tiêu chí xét tuyển vừa được chỉnh sửa tận gốc rễ. Chỉnh sửa như thế nào thì quan trọng với học sinh Mỹ nhưng con đường đi đến những thay đổi như thế lại cho các nhà giáo dục VN những bài học kinh nghiệm rất thực tế.

Từ bỏ văn mẫu

Vài tháng trước khi lên làm Chủ tịch College Board, nơi tổ chức kỳ thi SAT, David Coleman tìm gặp bằng được Les Perelman, một giáo sư dạy môn viết tại MIT (Massachusetts Institute of Technology), vì xưa nay Perelman kịch liệt phê phán SAT.

Perelman từng dùng các con số và sự kiện thực tế để chứng minh những bất cập của bài thi SAT như độ dài bài luận quyết định số điểm cao hay thấp. Có lần Perelman phụ đạo cho 16 thí sinh điểm viết luận thấp trong lần đầu thi SAT bằng cách bày cho thí sinh những chiêu thức “đánh lừa” người chấm, chẳng hạn cứ cho chi tiết nhiều vào nhưng đừng quan tâm đến tính chính xác. Nói cuộc chiến 1812 bắt đầu vào năm 1945 cũng chẳng ai để ý, cứ thêm vô những từ ít dùng nhưng nghe rổn rảng, nhớ trước vài câu trích nguyên văn từ các nhân vật nổi tiếng để đưa vào bài luận, bất kể nó không liên quan gì đến đề thi. Thi lại, 15 thí sinh này đạt điểm top 10%!

Sinh viên luyện thi SAT

Hai bên gặp nhau và Perelman hỏi Coleman rằng, có khi nào ra đời học sinh gặp tình huống ông sếp bảo: “Thất bại có phải là mẹ thành công hay không, hãy về bàn của anh và viết cho tôi một đoạn văn, 25 phút sau đem lại nộp cho tôi”. Không có, thế nhưng đề thi SAT lại yêu cầu như thế.

Thế là các tay luyện thi lão luyện bày cho học sinh học thuộc những bài văn mẫu, dùng vào bất kỳ trường hợp nào cũng đúng. Đó là phải có chút câu chuyện riêng tư, những trải nghiệm cá nhân, nhắc một chút những nhân vật lịch sử, và điều chỉnh một chút cho phù hợp với đề thi cụ thể hôm đó. Làm như thế chắc chắn sẽ được điểm cao. Vậy thì kỳ thi hóa ra đã thất bại trong việc khuyến khích học sinh học viết thật sự mà chỉ để đối phó.

Không những thế, các tổ chức ăn theo cứ liên tục tung ra sách luyện thi SAT làm học sinh càng thêm rối trí.

Cốt để kiểm tra kỹ năng

Sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch College Board vào tháng 10/2012, Coleman bắt đầu tìm cách chỉnh sửa kỳ thi. Ngoài Perelman, ông lắng nghe than phiền của thí sinh, phụ huynh, giáo viên ... Thí sinh thì bảo thi gì mà toàn các câu đánh đố, không thấy trong chương trình học phổ thông. Giáo viên bức xúc nói dù SAT không dựa vào chương trình học, kết quả kỳ thi vẫn được xem là thước đo đánh giá trình độ giảng dạy của thầy cô. Phụ huynh than nhà giàu có điều kiện thuê gia sư kèm cặp, còn nhà nghèo, nội lệ phí thi cũng đã là gánh nặng.

Bắt tay vào việc chỉnh sửa SAT, Coleman và đội ngũ chuyên gia của ông xác định được ngay từ đầu một nguyên tắc: Kỳ thi phải phản ánh được những kỹ năng quan trọng nhất mà những thầy cô giáo truyền đạt cho học sinh. Ví dụ khi học sinh học bài diễn văn Tôi có một giấc mơ của Martin Luther King Jr., giáo viên sẽ không chỉ hỏi diễn văn này được đọc lên vào năm nào, ở đâu, mà sẽ thực hiện đối thoại với học sinh để hai bên cùng phân tích bài diễn văn, những điều đã làm bài nói chuyện mang tính thuyết phục cao. Cái đó sẽ cùng đi với học sinh suốt đời chứ không phải thông tin về ngày tháng.

Cái khó là làm sao viết bài thi để khơi gợi điều đó ở thí sinh thay vì kiểm tra trí nhớ hay suy luận giản đơn.

Tổ chức luyện thi miễn phí qua mạng

Những nét chính mà Coleman thay đổi về kỳ thi SAT như báo New York Times tường thuật có thể chỉ là kỹ thuật như không hỏi từ khó, từ lắt léo nữa; điểm tối đa không còn là 2,600 mà chuyển về 1,600 (cho hai phần toán, đọc - viết), còn phần viết luận trở thành tùy chọn được tính điểm riêng. Sẽ không còn bị trừ điểm nếu trả lời sai; chỉ cho dùng máy tính ở một số phần mà thôi... Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng hơn là triết lý đằng sau cách ra đề thi.

Để tránh tình trạng nhiều người lợi dụng SAT tổ chức luyện thi mà chỉ con nhà giàu mới đủ tiền để thuê gia sư, College Board sẽ hợp tác với Khan Academy (một loại trường dạy đại trà trực tuyến miễn phí) để phối hợp tổ chức các lớp luyện thi SAT mà bất kỳ học sinh nào cũng có thể tham gia, dù nghèo hay giàu.

Cách làm này cũng là kinh nghiệm cho VN khi giải quyết vấn nạn dạy thêm - học thêm. Ở VN, ai cũng thấy học sinh đi học thêm là chuyện lợi bất cập hại. Để giải quyết vấn nạn này, cơ quan giáo dục ra lệnh cấm hay hạn chế dạy thêm. Hệ quả là bị công luận phê phán; chuyện cấm không khả thi, học sinh vẫn đi học thêm, giáo viên vẫn dạy thêm tràn lan.

Vậy sao không làm theo con đường gián tiếp: triệt tiêu nhu cầu học thêm thì tự nhiên chuyện dạy thêm - học thêm sẽ dần dần biến mất. Triệt tiêu bằng cách thay đổi thi cử, đề thi không lắt léo, học gì thi nấy, thi để kiểm tra kỹ năng chứ không kiểm tra kiến thức. Tức là làm sao để chuyện học thêm không còn cần thiết thì ngay lập tức nhu cầu học thêm sẽ giảm dần đến chỗ bình thường hóa.

Phải đến mùa xuân năm 2016 bài thi SAT kiểu mới mới được tung ra. Dư luận phải chờ đến đó mới biết nỗ lực cải tiến của Coleman có thật sự hiệu quả. Nhưng con đường ông trải qua cũng đáng làm cho ông tự hào là một nhà giáo thật sự khi biết lắng nghe những dư luận phê phán, những cá nhân chống đối để tìm cách hoàn thiện sản phẩm bị phê phán đó.

(Nguồn: Uteen)