TIN TỨC

NÊN ĐI DU HỌC: MỖI KHÓ KHĂN LÀ MỘT CƠ HỘI!

Câu chuyện của bạn này, những khó khăn, vấp ngã mà bạn gặp phải, chính bản thân mình cũng từng trải nghiệm, hoặc chứng kiến những bạn xung quanh mình trải nghiệm. Cũng chính vì những vấp ngã đó, rất nhiều lần khi còn đang ở Singapore, mình tự hỏi bản thân liệu mình có hối hận với quyết định sang Sing học 4 năm không.

May mắn thay, lần nào câu trả lời của mình cũng là “Không”. Và mình tin chắc, không chỉ riêng mình, mà còn nhiều bạn scholars khác đi học ở Sing cũng đồng ý với mình. Thật ra, một bộ phận không hề nhỏ các bạn scholars ở Sing đã đạt được những thành công nhất định mà mình tin là nhờ vào những trải nghiệm không thể nào có được ở VN, và những khó khăn thử thách nêu trên là một phần của những trải nghiệm đó. Tuy nhiên, ở đây, mình không hề có ý định phản bác lại bạn này bằng cách nêu lên những hào quang của học bổng, hay tấm gương của những bạn trẻ thành công sáng chói…Mình muốn hướng sự chú ý của bạn ấy vào một thứ mà mình tin, làm nên sự khác biệt giữa 2 sự trải nghiệm của 2 bạn du học sinh dù là ở cùng 1 môi trường – đó là việc xác định mục tiêu trước khi đi du học.

Khi được hỏi tại sao lại đi thi tuyển cho học bổng này, hầu hết các bạn, và kể cả những bạn đậu học bổng, đều không rõ về câu trả lời của mình. Nhiều bạn đi thi vì bố mẹ bắt đi, nhiều bạn đi vì được trường tuyển đi và vì nghe bảo đây là 1 học bổng danh giá, lại còn có nhiều bạn đi thi chỉ cho vui! Thậm chí đến lúc đạt được học bổng, nhiều gia đình mới bắt đầu phân vân xem có nên đi hay không, dù đó là việc đáng lẽ phải được quyết định ngay từ trước khi dự tuyển. Bản thân mình, trước khi đi thi hoàn toàn không biết gì về ngôi trường mình sẽ thi vào, và thậm chí còn không biết Singapore nằm ở đâu trên bản đồ. Mình còn nhớ trước khi thi, bạn bè xung quanh mình ai cũng tốn công tốn sức, bỏ nhiều chục triệu để luyện thi…Lúc đó mình cảm thấy cuộc thi này như 1 rat race, và không đậu sẽ là 1 thất bại ê chề…

Đó là trước khi thi. Nhưng sau khi có kết quả, những bạn quyết định đi du học cũng chưa chắc đã có mục tiêu cho bản thân mình. Nói các bạn không có mục tiêu thì thật ra hơi quá…Ai ra đi mà chả mang hoài bão sang đấy đứng đầu khối, đạt giải thưởng môn này môn kia, trở thành học sinh xuất sắc, cho tụi Sing biết học sinh Việt Nam ghê gớm thế nào. Mình không chỉ trích những hoài bão đó, vì hoài bão của ai cũng đều chính đáng. Tuy nhiên, lúc mang những hoài bão đó trong người là lúc bạn còn đang đứng trong vùng an toàn của mình (comfort zone), lúc bạn còn được ba mẹ lo cho từng li từng tí và là học sinh giỏi Hóa nhất trường. Khi đi du học, bạn bước dần ra khỏi vùng an toàn, tự đưa bản thân mình tiếp xúc với những rào cản từ mặt ngôn ngữ, đến sự phân hóa (local-scholars), những vấn đề thường gặp trong cuộc sống tập thể và ngay cả tư tưởng rằng học ở Sing dễ hơn học ở VN. Bạn không hề biết ở Sing, những môn Xã Hội được dạy theo kiểu tư duy phân tích, đòi hỏi bạn mang theo tư tưởng cá nhân vào từng vấn đề, chứ không đơn thuần là học vẹt như ở VN. Bạn bắt đầu gặp nhiều chướng ngại, bạn cảm thấy không hòa nhập được, và bảng điểm xuất hiện những điểm C,D,E…một điều tối kị với một đứa học sinh giỏi như bạn. Ôm trong lòng một hoài bão quá lớn, nhưng chỉ thấy trước mắt toàn gian nan, bạn sẽ cảm thấy như đánh mất mục tiêu đó, và lạc lối…

Nhưng nếu nhìn từ 1 góc độ khác, mỗi khó khăn lại là một cơ hội đang nhìn thẳng vào bạn. Sự phân hóa là cơ hội để các bạn học sinh địa phương biết người Việt Nam thân thiện và tốt thế nào khi bạn xóa bỏ được nó, cách học mới lại là cơ hội để bạn nhìn ra được một đam mê mới trong mình, còn những vấn đề trong các mối quan hệ lại giúp bạn biết quý trọng gia đình và những người bạn thật sự hơn. Vậy…câu hỏi đặt ra là, tại sao không phải ai cũng nhìn khó khăn như một cơ hội? Để trả lời cho câu hỏi trên, mình xin được quay lại với chủ đề mục tiêu. Mình đọc ở đâu đó là giấc mơ thường tỉ lệ nghịch với độ tuổi. Ở tuổi 13, mình mơ được làm cho WHO. Bây giờ mình chỉ mong sau này ra trường tìm được nghề đúng với ngành mình đang học. Nhưng biết đâu 5 năm nữa, mình chỉ mơ được ở nhà cho chồng nuôi…Thật ra, không phải ai cũng như mình. Nhưng mình nghĩ có một sự thật là càng lớn, ta càng gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống, và những khó khăn đó vô tình lại dần dần che đi những mục tiêu ban đầu ta đặt ra cho chính bản thân. Và khi chọn đi du học ở tuổi 15, khó khăn bạn gặp sẽ nhiều hơn so với những bạn cùng tuổi khác, bạn dễ đánh mất niềm tin vào bản thân, và mục tiêu đó lại càng dễ bị mất đi. Vậy liệu mục tiêu ban đầu của bạn có đủ lớn để giúp bạn đi đúng hướng khi gặp phải những khó khăn đó? Hay nói cách khác, bạn đã đủ nghiêm túc và có trách nhiệm với mục tiêu của mình chưa?

Đừng lầm tưởng mình đang bắt bạn phải có 1 mục tiêu nghiêm túc cho cuộc đời ở tuổi 15. Không hề! Ý mình ở đây là đừng đặt ra mục tiêu một cách mù quáng để thỏa mãn sự kiêu hãnh của bản thân. Mục tiêu của bạn không cần phải quá to tát, nó có thể chỉ là: tìm được 2 người bạn thân người Sing, phát triển kĩ năng lãnh đạo của bản thân, hay học giỏi một môn nào đó. Nếu bạn chọn một mục tiêu vĩ đại, thì hãy có một kế hoạch lâu dài, chứ đừng từ bỏ hoài bão đạt giải Nobel Vật Lí chỉ vì bài kiểm tra đầu tiên bạn bị E. Khi bạn biết mình muốn gì, bạn sẽ biết mình cần làm gì, chủ động tìm những thứ mình cần. Khi đó, bạn sẽ tránh được những vấp ngã không cần thiết, và nhìn thấy được cơ hội trong những cú vấp. Và quan trọng hơn, thấy được mình muốn gì, bạn sẽ không tự giết chết ước mơ của mình trước cả khi nó bắt đầu. Nói thì dễ nhưng làm thì khó! Không phải ai cũng biết mình muốn gì đâu…Vậy có nghĩa là thôi đừng đi du học à? Thật ra, không có mục tiêu nhất định cũng hay, vì khi ấy, mục tiêu của bạn sẽ là tìm ra mục tiêu của bản thân. :) Đó là một mục tiêu vĩ đại đấy, nên càng cần bạn phải sẵn sàng khám phá, đặt ra nhiều mục tiêu nhỏ để hoàn thành và vấp ngã, để tìm ra, vậy rốt cuộc mình muốn gì ở bản thân?

Bản thân mình thì cũng chẳng hơn gì bài viết của bạn kia. Khi vừa qua Sing, mình mất gần 1 năm để thích nghi, và phải đến hết năm thứ 3, mình mới hiểu rõ bản thân và biết mình muốn gì. Năm đầu của mình tệ hại còn hơn cả những gì được miêu tả, nhưng khi mình bắt đầu đặt cho bản thân mình câu hỏi: Mình tới đây để làm gì, thì mình bắt đầu tìm thấy được ý nghĩa trong những việc mình đang làm, và tìm thêm những việc khác có ý nghĩa để làm. Nếu nói là thành công thì không hẳn, nhưng ít nhất hiện tại mình không hoài nghi về bản thân và tương lai nữa. Nhiều lúc mình còn hay nghĩ, nếu cho mình viết 1 lá thư gửi mình của 4 năm trước, nó sẽ như thế này: “Gửi Quỳnh 15 tuổi, mày đến đây để làm gì? Làm sao 4 năm nữa mày cho tao biết tao là ai nhé!” Quỳnh 15 tuổi có thể sẽ vò nát bức thư đó và quăng đi, vì lúc đó, nó ra đi không vì cái gì cả, vì cái học bổng thôi!

Tóm lại, Singapore nói riêng và đi du học nói chung không phải chỉ là lò rèn dành cho những người làm từ thép. Bạn vẫn có thể là ngọc, là gỗ, là kim cương,…quan trọng là bạn cần xác định mình muốn thành gì để vào đúng lò, và nếu bạn đặt mục tiêu trở thành kim cương, thì hãy chuẩn bị chịu đựng nhiệt độ và áp suất khủng khiếp nhé! Nếu không thì kết thúc của bạn sẽ là 1 cục than mà thôi…

(Nguồn: Baoduhoc)