COI CHỪNG SAI LẦM VỚI TRƯỜNG ‘TOP’
Một trong những kênh tham khảo của phụ huynh và học sinh trước khi đi du học chính là bảng xếp hạng các trường ĐH công bố trên các trang web của các tổ chức giáo dục. Các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường chủ ý chọn cho con em mình trường “tốp đầu” với hy vọng sau khi hoàn thành chương trình ĐH, du học sinh trở về với kết quả học tập lẫn trình độ cao hơn bạn bè học các trường khác.
Trường “top” chưa hẳn là “ngon ăn”
Anh Trương Phạm Hoài Chung, cựu sinh viên Trường ĐH Williams (Mỹ), chia sẻ với độc giả trên trang cá nhân: “Thường học trò có tham vọng lớn lại bị áp lực từ bố mẹ vốn đặt kỳ vọng cao về con mình, sẽ xem việc trúng tuyển vào một trường “top” là mục đích cao cả của cuộc sống, thay vì giáo dục theo đúng bản chất…”. Xuất phát từ quan điểm này, các học sinh thường bỏ thời gian dài để cân đo mỗi hoạt động học tập, rèn luyện để có thể trở thành ứng viên sáng giá, hấp dẫn với nhà tuyển sinh.
Một cô bé tay chân run rẩy với đôi mắt ướt long lanh tràn trề hy vọng khi nhận được học bổng 40% (2 tỉ đồng) để học ở một trường ĐH chuyên về văn hóa nghệ thuật, đã nhận được thư riêng từ giám đốc tuyển sinh: “J.K. Rowling nhí, hãy tiếp tục nuôi dưỡng đam mê viết tiểu thuyết của mình nhé”. Nhưng ngay lập tức cô bé bị hụt hẫng vì gia đình bắt buộc em phải đi học trường “top”, bất chấp phải đóng 100% học phí và phải học ngành tài chính. “Đây là triệu chứng Yale, một thuật ngữ được Donald Asher đề cập trong quyển sách Trường ĐH sành điệu cho đối tượng cực thông minh, tự chỉn chu, phát triển chậm, đơn giản là khác biệt” - anh Hoài Chung cho hay.
Chọn trường “top” mà càng học càng đuối thì khác gì chìa khóa tra nhầm ổ khóa!
Hậu quả của việc “cuồng nhiệt” với trường “top” xảy ra: Học trò đuối sức khi vào môi trường cạnh tranh quá sức chịu đựng. Nhiều học trò có học lực không quá xuất sắc ở Việt Nam vẫn có thể vào học tại các trường “top”, ví dụ tại Mỹ. Tuy nhiên, lúc vào học rồi mới vỡ lẽ, thậm chí là “choáng” với chương trình đào tạo “siết” đầu ra khốc liệt.
Hoặc có trường hợp vào trường “top”, chấp nhận học ngành mình không yêu thích, không có năng khiếu, đến khi chìa khóa không hợp ổ khóa, dù có là ổ khóa vàng thì cánh cửa đó cũng sẽ khó mở ra được, buộc du học sinh hoặc phải tốn thời gian tìm lại “cánh cửa của mình”, hoặc là chấp nhận làm việc “trái tay”, khó phát huy hết khả năng thật sự.
Hai “chìa khóa” khi chọn trường ĐH
Thứ nhất, cân nhắc đến năng lực và sức bền của bản thân. Phải đảm bảo rằng bạn có đủ thông tin về chương trình đào tạo, môi trường học, việc cạnh tranh… của trường bạn chọn. Đồng thời phải cân nhắc trình độ ngoại ngữ (điểm thi bằng ngoại ngữ quốc tế TOEFL, IELTS); điểm trung bình (GPA: Grade Point Average), điểm đầu vào các bài thi nhập học ĐH (SAT: Scholastic Admission Test, hay ACT: American College Test). Phải chắc rằng bạn hiểu, tiếp thu, học được và học tốt, thậm chí là nhận được học bổng trong trường ĐH chứ không phải vào trường “top” mà học … tệ.
Thực tế, nhiều trường ĐH ở Mỹ hoạt động theo triết lý những trải nghiệm về giáo dục không phải là điều có thể cân đo đong đếm được. Thế nên những trường này không đồng tình với các bảng xếp hạng chung và không cung cấp thông tin về trường họ. Vì thế rất nhiều trường có chất lượng giáo dục tốt nhưng không nằm trong tốp 100. Kết quả là nhiều du học sinh học tại trường thứ hạng không cao nhưng vẫn thành công khi lập nghiệp.
Thứ hai, trường ĐH bạn chọn có ngành bạn muốn học hay không? Nếu có thì đó có thuộc nhóm ngành chiếm thế mạnh nhất, tốt nhất trong các trường hay chưa? Trang tư vấn giáo dục Eduvietglobal khuyên: “Nếu bạn muốn theo hướng nghiên cứu lĩnh vực hàn lâm như kinh tế hoặc tâm lý học, những trường đứng đầu bảng xếp hạng như Harvard, Princeton có thể sẽ phù hợp. Nhưng nếu bạn muốn vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm làm việc, những trường có chương trình Co-op như Drexel (không phải là trường “top” trong bảng xếp hạng Ivy League) sẽ là môi trường phù hợp hơn với du học sinh.
(Nguồn: Baoduhoc)