Cách chọn ngành du học thông minh
Có điều kiện du học để thúc đẩy ngoại ngữ, học hỏi kỹ năng mềm và phương pháp làm việc hiệu quả từ các nước phát triển giúp cho phần lớn du học sinh tốt nghiệp ra trường thường có mức lương cao hơn 15% - 30% so với sinh viên tốt nghiệp trong nước. Để thành công khi xin việc "hậu" du học, ngay từ khi lên kế hoạch, phụ huynh và học sinh nên có định hướng nghề nghiệp gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai.
Theo khảo sát gần đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nguồn cung kế toán - kiểm toán dẫn đầu thị trường lao động, chiếm 21,4% tổng nguồn cung, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng chưa tới 5%. Thực tế, cả một thời gian dài "nhà nhà học tài chính - ngân hàng, người người học kế toán" đã dẫn đến hệ quả khủng hoảng thừa lao động ngành kế toán, tài chính và ngân hàng. Vì vậy, trước khi du học, bạn nên lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và đam mê nhưng cũng đừng quên tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động trong nước để không bị "thất sủng" khi trở về.
Có kinh nghiệm tiếp xúc với hàng nghìn du học sinh, các tổ chức tư vấn du học chia sẻ: "Học sinh, sinh viên Việt Nam cần quan tâm đến nhu cầu thị trường lao động trước khi du học. Việc định hướng nghề nghiệp đúng với năng lực và phù hợp với nhu cầu của thị trường sẽ giúp cơ hội việc làm của du học sinh tốt hơn".
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao và hưởng lương cao trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển sang các nhóm ngành như: công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm phục vụ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dầu khí, kỹ thuật sản xuất, logistics ...
Kết quả khảo sát năm 2013 tại 1.460 doanh nghiệp và 7.038 người có nhu cầu tìm việc ở TP HCM và Hà Nội cho thấy nhóm ngành đang thừa lao động hiện nay gồm có: kế toán - kiểm toán; hành chính - văn phòng; kinh doanh - bán hàng; công nghệ thông tin; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; kinh tế - quản trị kinh doanh. Đáng chú ý, những ngành như công nghệ thông tin, kinh doanh - bán hàng, dù nguồn cung lao động cao nhưng thị trường lại vẫn "khát" nhân sự giỏi, có kỹ năng vượt trội. Đây cũng là cánh cửa ngỏ, mở ra cơ hội cho những nhân sự chất lượng cao, có điều kiện du học và kinh nghiệm thực tế từ nước ngoài trở về.
Việc lựa chọn du học những ngành mới như: công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, dầu khí đã giúp cho nhiều bạn trẻ tìm được công việc đúng chuyên môn và hưởng lương cao khi trở về Việt Nam làm việc. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi nhân sự chất lượng cao, chuyên môn tốt, trình độ ngoại ngữ xuất sắc của các doanh nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù này.
Từ góc nhìn của những chuyên gia tư vấn du học và nghiên cứu sâu về thị trường lao động, đại diện tổ chức tư vấn du học GSE-beo đưa ra lời khuyên chân thành với các bạn trẻ có dự định du học: "Các bạn nên tìm hiểu thêm những ngành học mới, phù hợp năng lực, đam mê để 'đi trước đón đầu' nhu cầu của thị trường lao động trong nước sau khi ra trường. Điều tối kỵ khi du học là chạy theo xu hướng đám đông mà thiếu cân nhắc đến cơ hội việc làm sau này".
Theo thông tin của các tổ chức nhân sự uy tín tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao và hưởng lương cao trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển sang các nhóm ngành như: công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm phục vụ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dầu khí, kỹ thuật sản xuất, logistics ...
(Nguồn: Vnexpress)