BÍ MẬT CỦA NHỮNG NHÀ THUYẾT TRÌNH ẤN TƯỢNG
Chào bạn, bạn đang theo dõi bài viết này có nghĩa là bạn đang thực sự muốn cải thiện kỹ năng thuyết trình hoặc kỹ năng đàm phán và thuyết phục. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn những cách để có một sự kết thúc gây ấn tượng tốt đối với người nghe.
Tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả các bài thuyết trình của mình, đó là: Bài thuyết trình phải 'đẹp từng milimet' – phải được chuẩn bị hoàn hảo ở tất cả các phần. Đối với tôi, mở bài, thân bài, giờ giải lao, kết bài … đều phải được chuẩn bị cẩn thận đến từng chi tiết. Đặc biệt là phần kết thúc, hãy tưởng tượng xem, bạn mở đầu bài thuyết trình hoàn hảo, truyền tải nội dung hoàn hảo, khán giả đã đạt đến 90% cái gật đầu, sự mãn nguyện. Thế nhưng bạn lại kết thúc buổi thuyết trình một cách nhạt nhẽo vô vị. Vậy là, 90% vẫn chỉ hoàn 90%, bạn không thể "đá đít" con số ấy lên 99, 100, hay thậm chí 120% được. Bạn chỉ còn cách ngưỡng cửa thành công vài milimet!
Có nhiều cách kết thúc bài thuyết trình và chẳng có cách nào là hoàn hảo, hiệu quả nhất, vì hiệu quả chỉ tùy thuộc vào cách bạn sử dụng chúng. Dưới đây là những phương pháp kết thúc bài thuyết trình và cách sử dụng chúng sao cho phù hợp, gây ấn tượng nhất.
1. Tóm lược nội dung trước khi kết thúc bài thuyết trình
Đây là phương pháp hết sức phổ biến, lời tóm lược thường được đặt ngay trước câu cảm ơn khán giả. Lưu ý duy nhất cho phương pháp này là bạn hãy cố gắng tránh giọng điệu thuyết giảng, dạy đời khán giả. Bạn không cần biểu lộ nhiều cảm xúc khi tóm lượt bài nói của mình, chỉ cần nói vắn tắt những ý chính bạn đã truyền tải xuyên suốt buổi thuyết trình.
Một lưu ý chung: cách nói "buổi thuyết trình đến đây là hết" theo tôi là hoàn toàn không cần thiết. Thay vì nói như thế, bạn chỉ cần hạ âm điệu xuống, nói chậm lại một chút, im lặng một lúc, nhìn quanh khán phòng, nói "cảm ơn các bạn" và ngồi xuống. Những dấu hiệu tinh tế đó đã thay bạn thông báo kết thúc đến khán giả một cách ý nhị và chuyên nghiệp.
2. Kêu gọi hành động:
Đây cũng là một cách kết thúc bài nói thường được sử dụng. Các chính trị gia kết thúc bài diễn thuyết của họ bằng cách yêu cầu người nghe bỏ phiếu cho họ. Người bán hàng "chốt deal" và yêu cầu khách hàng tiềm năng mua hàng hoặc dùng thử sản phẩm. Nghệ sỹ hài sau những giờ phút khiến khán giả ôm bụng sặc sụa cười cũng kết thúc vở hài bằng cách nói lên mong muốn khán giả sẽ sống và làm theo những bài học ý nghĩa từ tiểu phẩm của họ …
Những cách kết thúc bài thuyết trình thuyết phục ấn tượng
Đây là cách kết thúc khá dễ dàng, nhưng bạn hãy nhớ chỉ kêu gọi hành động nếu điều bạn yêu cầu vừa thẳng thắn nhưng cũng lại ý nhị, tinh tế. Nếu yêu cầu của bạn không thẳng thắn, mà cứ vòng vo tam quốc, bạn sẽ không thúc đẩy được người nghe hành động. Nếu bạn không ý nhị, tinh tế, tức là chỉ chăm chăm yêu cầu khán giả mua cái này, cái kia, mà không nói về quyền lợi CỦA KHÁN GIẢ, họ sẽ nghĩ rằng, ồ hóa ra gã này nói nãy giờ là để dụ mình mua hàng cho gã.
3. Kết thúc buổi thuyết trình đầy xúc cảm
Nếu bạn có thể truyền đạt, lèo lái cảm xúc khán giả, thì đây là một phương pháp vô cùng hữu hiệu, mà thậm chí bạn chẳng cần “kêu gọi hành động”, khán giả vẫn sẽ làm theo những gì bạn muốn. Ví dụ, nếu bạn muốn khán giả nhận ra sức mạnh của việc đặt mục tiêu để vươn lên trong cuộc sống, bạn có thể kể cho họ một câu chuyện về những tấm gương đã thành công vượt bậc nhờ biết thiết lập mục tiêu đúng đắn. Với giọng kể, giọng tả đầy nhiệt huyết và sự ngưỡng mộ của bạn dành cho những tấm gương đó, bạn có thể làm cho khán giả hào hứng tột độ, thậm chí thổi bùng khao khát của họ đến mức họ muốn bật dậy khỏi ghế.
Phương pháp này cực kỳ hiệu quả, nhưng nó phụ thuộc vào khả năng truyền đạt cảm xúc, cũng như sự thấu hiểu tâm lý khán giả của bạn. Nếu bạn muốn sử dụng phương pháp này sao cho đánh động vào tâm trí khán giả nhất, hãy:
- Dành nhiều thời gian nghiên cứu xem điều gì có thể tác động mạnh nhất đến cảm xúc của khán giả.
- Luyện tập cách kể chuyện, truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ, nồng nhiệt và dữ dội.
4. Kết thúc bài thuyết trình hài hước
Đây là phương pháp ít được sử dụng nhất. Lý do là vì nó rất không ăn nhập với những chủ đề thuyết trình cần sự nghiêm túc. Chính vì thế, bạn chỉ nên kết thúc buổi thuyết trình bằng một tràng cười sảng khoái nơi khán giả nếu bạn đang diễn hài, hoặc xuyên suốt bài thuyết trình của bạn là rất nhiều tình tiết buồn cười. Chấm hết.
5. Cảm ơn thế nào cho hay?
Cảm ơn cũng là một cơ hội để bạn đào sâu mối liên kết với khán giả. Thay vì chỉ đơn giản nói “cảm ơn các bạn rất nhiều” hay “cảm ơn vì đã chú ý lắng nghe”, bạn có thể nói một cách tình cảm và sâu sắc hơn như: “Tôi muốn cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã ở đây cùng tôi và sự chú ý nhiệt tình của bạn đến bài nói của tôi, tôi đang vô cùng hạnh phúc. Các bạn là những khán giả tuyệt vời!”. Sau đó bạn im lặng, đảo mắt nhìn khán giả và họ sẽ đứng lên vỗ tay tán thưởng bạn. Hãy thử nói lời cảm ơn theo cách đó, và nghe những tiếng vỗ tay của khán giả: Họ đang vỗ tay tán thưởng thật lòng sau những lời cảm ơn thật lòng của bạn. Họ thực sự yêu quý và kính trọng bạn!
(Nguồn: baoduhoc)