2017 nên du học ở đâu – Anh, Úc, hay Mỹ?
Việc du học trước kia vô cùng xa xỉ và chỉ áp dụng cho các gia đình thượng lưu giàu có thì nay đã trở thành một lựa chọn phổ biến của những gia đình trung lưu ở các thành phố lớn, hoặc các gia đình khá giả tại các tỉnh và thành phố địa phương.
- Độ hot của việc đi du học: Nếu trước đây, các du học sinh trở về nước chỉ là thiểu số, và họ được chào đón với những lời mời hấp dẫn, thì ngày nay, các du học sinh tốt nghiệp được tính ồ ạt theo “lứa” và đôi khi bản thân họ phải cạnh tranh với chính các du học sinh khác trong công cuộc tìm kiếm cơ hội và phát triển sự nghiệp. Thế nhưng, du học vẫn là một xu hướng phát triển ngày càng mạnh bởi sự thật là đầu tư vào giáo dục luôn là một sự đầu tư khôn ngoan. Nền giáo dục nước ngoài tiên tiến cung cấp cho du học sinh một tư duy mới, một nền tảng ngôn ngữ vượt bậc và những vận hội mới cho sự nghiệp của họ tại Việt Nam, hay thậm chí tại chính các nước phát triển đó.
- Các điểm đến được sinh viên quan tâm nhất: Nếu trước đây, nhắc đến du học, người ta chỉ nhắc đến các đất nước hấp dẫn nhất như du học Úc, Anh, Mỹ thì ngày nay, số lượng các lựa chọn cho du học sinh đã gia tăng một cách chóng mặt với New Zealand, Canada, Singapore,.. và bây giờ là rất nhiều nước không nói tiếng Anh như: Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Việc có nhiều lựa chọn là tốt, tuy nhiên, các lựa chọn này đã biến việc phải so sánh các yếu tố chi phí cơ hội nhằm chọn ra giải pháp phù hợp nhất trở thành vấn đề gây đau đầu cho bất cứ học sinh, phụ huynh nào.
Tuy có rất nhiều thay đổi lớn trong khoảng 20 năm trở lại đây trong thị trường du học, nhưng có thể khẳng định một điều, đó là du học Anh, Úc, Mỹ vẫn luôn là 3 điểm đến hấp dẫn nhất với du học sinh, đặc biệt với du học sinh tự túc. Bài viết dưới đây chỉ tập trung vào việc phân tích và so sánh những điểm khác biệt cũng như thế mạnh của 3 đất nước này. Chúng tôi sẽ không đưa ra kết luận cuối cùng về việc nên du học tại nước nào, vì đó hoàn toàn là quyết định của các bạn. Điều chúng tôi mong muốn là mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan và trung thực, để từ đó các bạn tự xác định được đâu là sự đầu tư đúng đắn nhất cho mình. Bài viết tập trung vào 5 yếu tố chính quyết định sau đây:
1. CHI PHÍ DU HỌC ÚC, ANH VÀ MỸ
Đối với các bạn sinh viên, du học ở đâu là bài toán về lựa chọn ngành nghề và sự nghiệp. Đối với các bậc phụ huynh, đây lại là bài toán về chi phí đầu tư. Do góc tiếp cận khác nhau nên nhiều khi nảy sinh tranh cãi rất lớn giữa bố mẹ và con cái trong vấn đề đi đâu, học gì, về hay ở.
- Thông thường, các gia đình muốn con học tập thực sự bài bản hoặc ở lại làm việc và định cư tại nước ngoài, sẽ đầu tư cho con theo học cấp 3 hoặc đại học (từ năm con đủ 16 – 18 tuổi). Tư duy chung là từ 16 tuổi trở lên thì nên cho con đi học càng sớm càng tốt, để đảm bảo con thích ứng nhanh với ngôn ngữ, tư duy, phong cách sống tại nước ngoài. Các đất nước họ lựa chọn bởi thế cũng là các quốc gia có chính sách định cư cởi mở với chi phí đầu tư mạnh tay hơn nhiều.
- Ngược lại, các gia đình cho con đi học theo diện thạc sĩ thường có xu hướng muốn đầu tư để con mình có một tấm bằng danh giá trong 1 đến 2 năm và quay trở về Việt Nam phát triển sự nghiệp. Họ mong khóa học này đủ dài để tăng cường năng lực ngoại ngữ và mở mang tầm nhìn cho con mình. Tuy nhiên, họ cũng biết nó không đủ để cung cấp một nền tảng tư duy và kiến thức giúp con họ cạnh tranh với bạn bè quốc tế tại nước ngoài. Thông thường, họ sẽ nhắm trước một số vị trí phù hợp phát triển sự nghiệp tại Việt Nam và vì thế, lựa chọn chuyên ngành cũng tương đối dựa theo định hướng nghề nghiệp này.
Chi phí du học phụ thuộc rất lớn vào việc bạn lựa chọn môi trường, ngành học và thành phố nào. Tuy nhiên, trong nhiều năm kinh nghiệm tư vấn du học, chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam thường có những thông tin thiếu chính xác do một số nguồn không chính thống, hoặc một số bậc cha mẹ tự tổng kết qua kinh nghiệm riêng và truyền miệng nhau như du học ở Anh là đắt đỏ nhất hay du học Úc rẻ hơn du học Mỹ,… Sự thực là, nếu nhìn vào số liệu, dựa trên báo cáo thường niên của HSBC, chúng ta có thể thấy một thực tế hoàn toàn khác như sau:
Đất nước | Học phí trung bình | Chi phí sống trung bình | Tổng chi phí trung bình |
(USD/năm) | (USD/năm) | (USD/năm) | |
Úc (Australia) | 24,081 | 18,012 | 42,093 |
Mỹ (US) | 24,914 | 11,651 | 36,564 |
Anh (UK) | 21,365 | 13,680 | 35,045 |
Nguồn: ICEF
Như vậy, theo như bảng biểu ở trên thì Úc mới là đất nước có chi phí du học tốn kém nhất với tổng chi phí hàng năm rơi vào khoảng $42,093 USD. Tiếp theo đó là Mỹ và Anh, trong đó, chi phí du học trung bình tại Mỹ và Anh chỉ chênh nhau khoảng $1,500USD/năm. Có thể thấy chi phí chênh lệch giữa du học Úc và Anh, Mỹ đa phần nằm ở chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Úc.
=> Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng mức học phí này là học phí đại học và được tính dựa trên học phí trung bình tại 10 trường đại học công lập lớn nhất tại mỗi nước. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt bản chất cũng có sự dao động rất lớn giữa các thành phố khác nhau trong cùng một đất nước. Vì vậy, bảng trên chỉ mang tính tham khảo để so sánh chi phí du học giữa các nước còn trên thực tế, chi phí du học của bạn có thể thấp hơn nhiều nếu biết lựa chọn một cách khôn ngoan chuyên ngành của mình tại điểm trường và thành phố phù hợp.
2. CƠ HỘI LÀM THÊM
Các thành phố lớn khiến chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, những thành phố này cũng mang lại nhiều cơ hội thu nhập từ việc làm thêm phong phú hơn cho sinh viên.
- Anh: Sinh viên được làm thêm 20h/tuần trong thời gian học tập và làm toàn thời gian trong thời gian nghỉ giữa các kỳ. Sự kiện Brexit tuy là một tin không vui đối với các du học sinh đang có dự định tìm việc và định cư tại Anh, nhưng lại là một tin đáng mừng với các sinh viên chuẩn bị du học Anh. Việc đồng bảng Anh mất giá giúp các bậc phụ huynh tiết kiệm được một khoản đáng kể trong chi phí du học Anh của con em mình, nhất là khi các bạn còn tiết kiệm bằng cách đi làm thêm.
- Úc: Tương tự, du học sinh Úc được làm thêm 40h/2 tuần. Công việc ở Úc cũng tương đối đa dạng từ làm bồi bàn đến hái nho,… Tuy mức lương tối thiểu ở Úc tính đến thời điểm hiện tại là 17.7 AUD/giờ (trước thuế) nhưng do số lượng du học sinh có nhu cầu làm thêm khá lớn, rất nhiều chủ cửa hàng, đặc biệt là các chủ cửa hàng người Việt Nam tận dụng lợi thế này để trả chui với mức lương thấp hơn nhiều (dao động từ 8–12 AUD/giờ). Điều này tạo nên rất nhiều bức xúc trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Úc.
- Mỹ: Theo luật của Mỹ, sinh viên quốc tế không được phép đi làm. Một số sinh viên có điểm số tốt trong 2 năm liên tiếp có thể được phép đi làm. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, sinh viên cũng chỉ được phép làm thêm trong khuôn viên trường. Việc này dẫn tới rất nhiều bạn sinh viên đi làm “chui” một cách bất hợp pháp tại Mỹ. Những hành động này tương đối nguy hiểm và có thể dẫn đến việc bị trục xuất về nước nếu bị phát hiện.
=> Hơn cả vấn đề tài chính, đi làm thêm là cơ hội để bạn tích lũy kinh nghiệm làm việc cũng như kết nối và mở rộng mạng lưới bạn bè và quan hệ của mình. Tất nhiên, khoản thu nhập này cũng tương đối đáng kể và ít nhất cũng bù đắp được một phần cho chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, hãy nhớ chú ý cân bằng giữa học tập và công việc các bạn nhé. Bởi hơn tất cả, mục đích ban đầu và hàng đầu của bạn khi du học vẫn là để học tập.
3. CƠ HỘI TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA VÀ DU LỊCH
- Anh: Nếu xét từ góc độ đa dạng văn hóa thì có lẽ Anh sẽ là đất nước mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm nhất cho du học sinh, bởi các du học sinh không chỉ có Anh mà còn có cơ hội tiếp xúc Châu Âu muôn màu muôn vẻ. Một khi đã có trong tay tấm visa Anh, các bạn hoàn toàn có thể xin visa Schengen và thoải mái rong ruổi tại 26 quốc gia Châu Âu trong cùng một vùng lãnh thổ. Nhưng hãy nhớ, bạn sẽ chỉ có một năm để đi, trái với hai năm ở Mỹ và Úc nếu học thạc sĩ nhé!
- Mỹ: Mỹ là một đất nước hoàn toàn khác. 50 bang ở Mỹ có thể được ví như 50 đất nước khác nhau, với hệ thống luật pháp, văn hóa và cách thức ứng xử khác nhau. Khác với sự nền nã của con người Châu Âu, người Mỹ nổi tiếng với sự lịch thiệp nhưng thẳng thắn. Đó là còn chưa kể đến việc bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm nền văn hóa Mỹ La-tinh đầy sôi động đấy. Hai năm có thể vẫn còn là chưa đủ!
- Úc: Nếu xét từ góc độ “thân thiện với Việt Nam” thì Úc là điểm đến tuyệt vời nhất bởi đây là đất nước gần gũi về mặt địa lý với Việt Nam nhất trong 3 nước. Bạn và gia đình sẽ không có cảm giác cách trở nửa vòng trái đất như khi du học Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, Úc cũng rất nổi tiếng về tính quốc tế và sự bài trừ thái độ phân biệt chủng tộc. Vì vậy, bạn có thể an tâm về mức độ thân thiện của người dân ở đây rồi nhé.
=> Chúng tôi tin rằng, dù du học ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng sẽ có được những trải nghiệm giàu văn hóa, đa dạng và văn minh. Những trải nghiệm này, đặc biệt là những quan sát về tư duy ứng xử sẽ giúp điều chỉnh các bạn trở thành trưởng thành, văm minh và độc lập hơn trong cuộc đời.
4. TỶ LỆ ĐẠT VISA
Đây là một vấn đề tương đối nhạy cảm bởi chính sách visa từng nước thay đổi thường xuyên, đặc biệt khi có một sự kiện chính trị lớn xảy ra, hay khi có sự thay đổi về mặt nhân sự, đường lối chính sách trong kinh tế đối ngoại của đất nước đó.
- Anh: Trước đây các sinh viên thạc sĩ sau khi hoàn thành xong khóa học có thể được phép ở lại 2 năm post-study để làm việc tích lũy kinh nghiệm thì điều đó trong 4 năm trở lại đây đã không còn khả thi nữa. Sau sự kiện Brexit, giới chuyên môn dự đoán vấn đề thị thực tại Anh sẽ càng được thắt chặt và có thể ảnh hưởng đến du học sinh các nước, đặc biệt là những nước có mức độ uy tín còn kém như Việt Nam.
- Mỹ: Chủ trương thị thực du học sinh tại Mỹ cho đến giờ còn tương đối khó đoán định. Tuy nhiên, với xuất thân là một doanh nhân thành đạt, theo dự đoán của chúng tôi, Tổng thống Trump sẽ không thắt chặt chính sách thị thực cho du học sinh bởi nguồn lợi lớn đến từ việc kinh doanh giáo dục và thu hút chất xám. Việc thắt chặt thị thực sẽ diễn ra ở các loại hình visa khác.
- Úc: Trong khi đó, từ tháng 7/2016, một hệ thống xét duyệt visa sinh viên mới – SSVF đã được đưa vào thay thế cho chương trình SVP hiện nay. Hệ thống này đơn giản hơn, giảm từ 8 phân lớp visa xuống chỉ còn 2 phân lớp. Các sinh viên có đủ điều kiện có thể được xét duyệt mà không cần IELTS, không cần chứng minh tài chính một cách nhanh chóng trong khoảng 1 đến 3 tuần. Đây là một lợi thế tuyệt vời tính cho đến thời điểm này, thể hiện chính sách tương đối mở cửa của chính phủ Úc.
=> Chính sách visa các nước có sự thay đổi nhanh chóng từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên, nếu bạn chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân một hồ sơ thật đẹp, kết hợp với sự tư vấn chuyên sâu từ các đội ngũ tư vấn viên, thì chúng tôi tin rằng cả ba nước trên đều dang rộng vòng tay đón chào các bạn.
5. KHẢ NĂNG TÌM VIỆC VÀ ĐỊNH CƯ
- Anh: Với chính sách thắt chặt như hiện nay, Anh phù hợp với các bạn du học sinh có nhu cầu học tập và trở về nước hơn là dành cho các bạn muốn tìm kiếm cơ hội làm việc và ở lại. Có một lợi thế với các bạn du học sinh tại Anh là sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ có được chính sách chuyển đổi diện visa từ Tier 4 (sinh viên) sang Tier 2 (sinh viên) với một số thuận lợi hơn so với những người đăng ký visa diện Tier 2 độc lập (ví dụ như yêu cầu về mức lương tối thiểu). Tuy nhiên, trong điều kiện chính trị và kinh tế hiện nay, việc tìm kiếm cơ hội ở lại vẫn là một thách thức tương đối lớn với du học sinh Anh, trừ khi bạn có năng lực xuất sắc và làm việc trong các ngành nghề nước Anh đang thực sự thiếu hụt nhân tài.
- Mỹ: Du học và ở lại Mỹ chưa bao giờ là một điều dễ dàng, tuy nhiên, đây lại luôn là ước mơ của các du học sinh Mỹ. Một trong những cách tự tạo cơ hội cho bản thân hiệu quả nhất là nhìn vào các nhóm ngành nghề thiếu thốn nhân lực hiện Mỹ đang cần bổ sung nhân lực. Thời gian gần đây, Mỹ đã công bố mở rộng danh sách các chuyên ngành trong lĩnh vực STEM (viết tắt của Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học), đồng thời cho phép kéo dài thời gian của các chương trình Khoa học thực tiễn tùy chọn (OPT) lên tới 36 tháng đối với các sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực STEM này. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các bạn sinh viên muốn lập nghiệp trên đất Mỹ đang học chuyên ngành này.
- Úc: Úc vẫn luôn được biết đến về khả năng thu hút người tài thông qua các chính sách định cư rộng mở diện tay nghề. Nếu muốn định cư tại Úc, bạn nên tìm hiểu để xác định được đâu là điểm giao thoa giữa ngành nghề nước Úc đang khan hiếm nhân lực và lĩnh vực bạn có năng lực. Danh sách các ngành nghề (SOL và CSOL) được cập nhật liên tục hàng năm nên cũng có một số rủi ro nhất định nếu nghề của bạn rơi phải vào danh sách bị loại bỏ của năm đó. Tuy nhiên, các ngành như Kĩ thuật, Y khoa và Giáo dục – Công tác xã hội, nhất là khối giáo dục mầm non sẽ luôn nằm trong danh sách khuyến khích do xu hướng phát triển hiện nay của xã hội Úc, cũng như bởi số lượng trẻ em nhập cư vào Úc theo diện đoàn tụ gia đình tăng cao, dẫn tới Chính phủ luôn yêu cầu tăng tỷ lệ giáo viên tại các cơ sở mầm non, tiểu học. Các cựu du học sinh Úc, sau khi tốt nghiệp sẽ có thể xin visa tạm trú diện post-study work từ 2 đến 4 năm. Đây thực sự là một lợi thế rất lớn trước khi tiến tới việc xin thường trú nhân Úc, nhất là khi thang điểm đánh giá nước này rất coi trọng các ứng viên có kinh nghiệm học tập và làm việc tại Úc.
6. LỜI KHUYÊN TỪ DU HỌC LIÊN CHÂU
Lựa chọn điểm đến du học cho năm 2017, thực sự sẽ không chỉ là một quyết định của năm 2017, mà sẽ là một quyết định lớn có sức ảnh hưởng rất nhiều năm sau nữa, 2018, 2019,… hay có thể nói là cả sự nghiệp và cuộc đời bạn sau này. Vì thế, hãy cân nhắc các lựa chọn của mình một cách thật cụ thể, xây dựng thứ tự ưu tiên của mình trong các lựa chọn này và nhìn xa hơn năm 2017 các bạn nhé. 2017 chỉ là điểm bắt đầu, nhưng điểm bắt đầu của chuyến đi, luôn là một trong những điểm quan trọng nhất.
Để có thông tin sâu hơn về các nước trên, cũng như thông tin các nước khác như: Canada, New Zealand, Singapore, Malaysia, Hà Lan, Ireland, Korea .... các bạn có thể liên hệ với các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm của chúng tôi, hoặc đăng ký tư vấn miễn phí tại đây.