Nhiều du học sinh Việt mua được nhà tại Úc
Theo luật mới, du học sinh được phép mua nhà tại Úc mà không bị giới hạn về giá trị căn nhà.
Du học sinh Việt Nam tại Úc (Ảnh minh họa)
Mua nhà trả góp
Căn nhà đầu tiên Hạ mua là nhà cũ, có tuổi đời 25 năm và rất xuống cấp. Tuy nhiên, Hạ vẫn chấp nhận vì nhận thấy tiềm năng lớn về vị trí của nó. Sau khi mua, Hạ đã đầu tư sửa sang lại để cho thuê. Mặc dù cả hai căn nhà đều là trả góp trong 30 năm nhưng cách tính toán của cô bạn này rất hợp lý và vẫn đảm bảo trả được nợ cho ngân hàng mỗi tháng. “Người thuê nhà sẽ trả lãi hộ em. Sau 30 năm, nó sẽ là của em mặc dù em không phải bỏ tiền túi hàng tháng ra để trả.”
Từ cách tính toán khôn khéo đó, căn nhà của đầu tiên của Hạ hiện nay đã có thể ‘mỡ nó tự rán nó’. ‘Thừa thắng xông lên’, Hạ lại tiếp tục mua tiếp căn nhà thứ hai và cho thuê. Đối tượng thuê nhà chủ yếu là sinh viên vì “em cũng là sinh viên nên hiểu các bạn cần gì. Do đó em đã trang bị mọi đồ dùng cần thiết trong nhà đúng theo nhu cầu sinh viên. Em không cho đối tượng khác thuê vì họ phức tạp và khó quản lý hơn.”
Hạ cho biết, hiện nay, việc sinh viên mua nhà ở Úc không còn hiếm hoi như trước đây mà đang dần trở nên phổ biến. “Bạn đồng lứa với em mua nhiều lắm vì mọi người đều nghĩ đến việc phải ổn định chỗ ở trước.”
Sinh viên có thể vay tiền ngân hàng mua nhà
Trước đây, du học sinh chỉ được phép mua căn nhà mới tinh (new drewlling) có giá trị dưới 300 ngàn đô la và bắt buộc phải xin phép Ban quản lý Đầu tư nước ngoài của chính phủ Úc – FIRB ( www.firb.gov.au ). Nếu muốn mua nhà đã qua sử dụng (second-hand) thì họ phải tuân thủ một số điều kiện bắt buộc như: trên 18 tuổi; visa còn giá trị trong vòng một năm; căn nhà họ mua không được phép cho thuê mà chỉ được sử dụng vào mục đích ở; sau khi visa hết hạn thì căn nhà phải được bán đi.
Hiện nay, luật cho phép người nước ngoài đầu tư bất động sản tại Úc đã có nhiều thay đổi theo hướng thông thoáng hơn. Theo đó, du học sinh không cần phải xin giấy phép mua nhà từ FIRB nếu visa của họ còn giá trị trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, du học sinh cũng được phép mua đất (vacant land) nhưng thời gian xin giấy phép mua đất có thể kéo dài tới cả năm.
Hơn nữa, theo luật mới, du học sinh không còn bị giới hạn về giá trị bất động sản và tuỳ sở thích mỗi người mà họ hoàn toàn có thể mua được nhà dù mới hay cũ mà không bị hạn chế về giá trị ngôi nhà như trước đây.
Tuy nhiên, sinh viên quốc tế không được hưởng khoản tiền trợ cấp mua căn nhà đầu tiên dành cho công dân Úc của chính phủ trị giá $16,000-$32,000 đô la. Họ cũng phải đóng thuế khi mua nhà và phải trả các khoản phí hàng năm giống như công dân Úc.
Một thay đổi hết sức đáng kể là hiện nay, các ngân hàng đã cho phép du học sinh vay tiền mua nhà và khoản vay có giá trị tối đa từ 75-80% giá trị căn nhà. Mặc dù để vay được tiền, sinh viên không cần phải có việc làm ổn định nhưng bố mẹ họ phải đứng ra bảo lãnh để đảm bảo việc trả nợ hàng tháng được kịp thời, đầy đủ. Trong trường hợp này, bố mẹ của họ mới là đối tượng phải chứng minh tài chính.
Hạ cho biết: “Bạn bè em đều được bố mẹ bảo lãnh vay tiền còn các bạn sẽ tự đi làm để trả nợ. Trường hợp của em cũng vậy. Bố mẹ cho em tiền đặt cọc và em cũng tự lo tiền trả ngân hàng mỗi tháng giống các bạn. Mới đầu em bị áp lực trả nợ rất lớn nên lúc nào cũng phải ‘nơm nớp’ lo giữ công việc. Tuy nhiên, sau đó, em tiết kiệm thêm được một ít tiền cộng với việc lãi suất xuống thấp trong thời gian vừa qua khiến em ‘dễ thở’ hơn rất nhiều.”
Cô bạn tuy nhỏ nhắn nhưng rất năng động và đầy tự tin ấy còn cười rất tươi và tiết lộ: “Từ trước đến nay, em rất có đam mê với bất động sản nên mới ‘liều’ như thế. Em mơ ước trong tương lai sẽ trở thành một nhà kinh doanh bất động sản.
(Nguồn: Báo Lao Động)