DU HỌC MỸ

Cuộc sống của một du học sinh tại Úc

Du học và sinh sống tại nơi đất khách quê người, đối với nhiều người, là một thử thách lớn trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn con đường du học tại một số nước xa xôi như Úc, Canada, và Úc, với hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn.

Một độc giả, đã chọn con đường du học tại Úc ngay từ năm 14 tuổi, chia sẻ cuộc sống của cô như thế nào từ lúc cất bước sang xứ người cho đến nay.

Những nỗi lo lắng

Trước khi qua Úc, mình đã từng trải qua thời kì lẫn lộn cảm xúc, vui và hồi hộp vì sắp được đi học ở ngôi trường mới, nơi mà mình đã hình dung trong đầu rằng nó sẽ được đẹp, chuyên nghiệp và hào nhoáng như trong phim High School Musical, hoặc Twilight, nhiều bạn bè thân thiện xung quanh với những buổi party thâu đêm sau những ngày học mệt mỏi, hoặc đi mua sắm tại những shopping centre và mình sẽ trở thành ‘Shopping Queen’ và với những bộ quần áo mình mua được, mình sẽ đi dạo phố và hất tóc trước ánh mắt trầm trồ của những chàng trai xung quanh. Bên cạnh đó, mình cũng cảm thấy lo lắng đến mất ngủ, vì phải suy nghĩ về những thời gian sắp tới, khi còn ‘lạ nước lạ cái’, biết đâu người local sẽ bắt nạt người mới, biết đâu mình bị phân biệt chủng tộc, biết đâu mình không thể hoà đồng vào cùng các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ được một thời gian, mình đã quyết tâm sang Úc với niềm tin rằng mình sẽ mang lại niềm tự hào cho ba mẹ, rằng mình đã lớn và mình có thể tự chăm sóc cho bản thân.

Những ngày đầu tiên ở Úc

Ngày đầu tiên đặt chân tại sân bay ở Perth, Tây Úc, vào tháng 7 năm 2009, với cái lạnh vào mùa đông, và sự đón tiếp không được nhiệt tình và thân thiện của homestay, mình đã cảm thấy có một chút chùn bước. Khi ngồi trên xe đi về nhà, ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra đường, thấy đường phố rất xa lạ và vắng vẻ với những cơn gió thổi bay đi chiếc lá từ trên cành xuống đất, mình lại càng thấy nhớ nhà hơn. Sáng dậy, mình được homestay mời đi ăn Yum Cha, những thứ mà mình chưa từng được ăn trong đời, mình lại tự dặn lòng rằng biết đâu ở đây, mình sẽ học được nhiều điều mới thú vị hơn.

Ngày đầu tiên đi học, mình thường xuyên đi lạc mặc dù trong tay đang cầm sơ đồ của ngôi trường. Đi tham quan trường, mình cảm thấy hơi thất vọng vì nó không được như những gì mình đã nghĩ khi ở Việt Nam. Ngôi trường mà mình đã học, Woodvale Senior High School, tuy khá nhỏ so với trong phim, nhưng lại mang lại cho mình cảm giác khá thoải mái vì nơi đây có những khu vườn với cây và hoa mang lại bóng mát và xua tan đi những căng thẳng về cuộc sống.

Ngôi trường đầu tiên tại Úc

Các lớp học đầu tiên thật sự là kỷ niệm đặc biệt đối với mình. Tuy mình được ba mẹ cho học Anh Văn từ nhỏ, nhưng giao tiếp với thầy cô và bạn bè bản xứ vẫn là vấn đề với mình. Người thầy dạy môn Science là một người khá thân thiện, nhưng với giọng nói khá nhanh, cuối giờ mình đã phải nói riêng với thầy, xin thấy nói chậm hơn lần sau để mình có thể nghe kịp. Tuy nhiên lần sau vì bản chất quen nói nhanh, mọi chuyện lại như cũ. Các môn khác đối với mình khá dễ vì lớp 8, không có gì là quá khó đối với mình, đặc biệt là môn Toán, vì lúc bấy giờ, học sinh vẫn còn tập làm quen với ‘Tìm X’. Sau một tuần học tại đây, mình đã cảm thấy rất nản và chán vì những gì mình đã học ở Việt Nam, lại lập lại bên đây. Nên mình đã lên phòng thầy hiệu trưởng và phàn nàn về điều này. Kết quả, sau khi nói chuyện với thầy và những thầy cô dạy các môn khác, thầy hiệu trưởng đã cho mình được nhảy lên lớp 10.

Lên lớp 10, tuy cũng vẫn còn dễ, mọi chuyện cũng khá hơn được một chút vì mình có nhiều bạn hơn xưa. Năm này là một năm trôi qua khá nhanh so với mình vì mình có cảm giác được thuộc về nhóm bạn, được ngồi chung và nói chuyện vui vẻ với các bạn local. Vì trường mình không có nhiều người Việt, nên tiếng Anh của mình được nâng lên thấy rõ, mình đã có thể hiểu và nói chuyện được với thầy cô và các bạn cùng lớp.

Những tháng ngày bên Tây Úc

Khi còn ở bên Perth, ngoài đi học ra, thì cuộc sống không được như ý mình mong muốn. Mình hay bị những người bản xứ phân biệt chủng tộc. Như có một lần mình chạy theo bus, ông tài xế có thấy mình chạy theo nhưng ông chỉ cho người Úc lên và đã không chờ mà còn chạy đi. Lúc mình ở, ba mẹ có qua thăm được 2 tuần. Trong khi ba mẹ mình ở đây thì homestay đối xử với mình rất tốt, dẫn mình đi chơi và đi ăn nhà hàng hằng tuần, và lâu lâu còn cho tiền mình xài. Khi ba mẹ mình về lại Việt Nam thì họ trở lại bản mặt thật. Họ đối xử với mình rất là khắt khe. Mình phải về nhà ngay lập tức sau khi tan trường, mình phải làm việc nhà bất kể việc gì trong khi họ mời bạn bè họ đến nhà ăn uống, đánh bài và karaoke. Họ mua mì gói và các thứ đồ tiêu dùng về thì giấu trong tủ. Còn khi mình mua về để mình xài thì họ lại lấy của mình ra xài hết mà không nói với mình một tiếng nào. Vào mùa đông, mình lại không được xài lò sưởi. Có một bữa mình đi học về, ông homestay đã cất đi cái lò sưởi vào nhà kho và còn nói với mình “Chịu lạnh đi cho khoẻ. Ông cũng chịu lạnh hay lắm, tới mức sáng sớm ông dậy tắm mà xài có nước lạnh không à!!!”. Lâu lâu, họ còn điện thoại về méc với ba mẹ mình là mình không hề phụ việc nhà và mình còn hay đi ăn tiệm, trong khi mình đi học là về nhà liền, suốt ngày chỉ ở nhà thì làm sao mà ra tiệm mà ăn. Quá bức xúc, mình đã quyết định sang Melbourne ở cùng với chị và anh ruột của mình.

Cuộc sống tại Melbourne

Khi sang Melbourne vào năm 2011, ở với chị và anh mình thì cuộc mình mới bắt đầu khá hơn một chút. Dù sao thì mình là em út, nên cũng được cưng chiều hơn. Cuộc đời cũng trôi qua bình thường như bao người khác, mình cũng đi học, về nhà rồi lâu lâu được đi chơi ở Highpoint, đi biển, đi zoo hoặc đi city với gia đình. Tuy nhiên, ngày đầu tới St. Albans, mình đã rất shock vì chợ người Việt rất khác so với bên Perth, vì nơi đây nhiều người Việt hơn mình tưởng, đi đâu cũng gặp người Việt. Kể cả khi lên Footscray, người Ấn Độ bán trái cây cũng biết nói tiếng Việt.

Khi lên lớp 12 thì trường mình học, Keilor Downs College, có nhiều niềm vui hơn lớp 11. Vì mình có nhiều bạn hơn và học được các môn mình thích, 2 môn toán, tâm lý, hoá và văn. Giờ recess và lunch thì mình hay ngồi chung nhóm, ăn trưa và đánh tiến lên. Giờ học thì ngồi nói chuyện và thường xuyên bị cô nhắc. Tuy sau những cuộc vui đó, mình cũng lo học vì lớp 12 rất quan trọng với trường đại học sau này. Dù rất lo học, nhưng cuối năm lúc thi thì mình hơi bị lơ đễnh vì lúc đó mình có bị say nắng với bạn học cùng lớp nên mình không tập trung được vào việc học. Điểm ATAR của mình cũng không được cao lắm, 89.80, nhưng cũng đủ điểm vào trường và học ngành mình đã chọn: nursing.

Mình chọn Nursing vì đó là ngành dễ ở lại nhất. Học đại học không còn được vui như xưa nữa. Mình học tại RMIT ở Bundoora, cách St. Albans khoảng 2 tiếng đi train và tram. Những giờ học bắt đầu từ 8 giờ thì 5 giờ 30 mình đã phải thức dậy và chuẩn bị. Mùa đông Melbourne không thích hợp cho việc dậy sớm như vậy. Mặt trời còn chưa lên, bầu không khí thì lại quá lạnh, lâu lâu lại mưa bất chợt nên khi đi học mình không còn được cảm giác ham học như xưa. Vì RMIT cũng khá giỏi, nên 1 tuần mình có thực hành môn Sinh. Hằng tuần mình phải tiếp xúc với xác chết thật sự, lúc thì đầu bị cắt ngang, lúc thì cơ thể bị cắt theo nhiều hướng khác nhau, và cô đã bắt tụi mình phải đụng vào, và xem xét được lí do mà người này bị chết, và họ là nam hay nữ, có biến ứng đối với sức khoẻ xảy ra trước khi chết hay không.

Mình từ nhỏ vốn đã sợ ma và sợ máu nên sau khi học được 1 semester rưỡi thì mình đã chuyển qua học Accounting ở CQU. Trường này không được nổi tiếng mấy ở Melbourne vì chi nhánh chính của nó ở bên Queensland. Học trường này thì mình có cảm giác rất thích vì trường này nằm ngay city, lại có nhiều bạn hơn. Sau giờ học mình có thời gian đi làm thoải mái vì từ trường về tới nhà cũng chỉ mất có 30 phút.

Nhưng từ khi lên đại học thì cuộc sống của mình không còn được như xưa. Bạn bè cũng ít khi nào gặp được trừ dịp Tết, Noel hoặc sinh nhật vì mỗi người bây giờ có cuộc sống riêng. Ai cũng tất bật đi làm sau giờ học. Ngày hôm nay mình rãnh thì có đứa trong nhóm đi làm. Ngày mai có đứa được nghỉ thì đứa khác lại đi làm. Du học sinh là vậy, đúng với câu “Không tiền thì cạp đất mà ăn” (Ngọc Trinh), đa số ai cũng phải vừa đi học vừa đi làm, để có tiền trang trải và lo toan cho cuộc sống của chính bản thân mình, không lệ thuộc vào ba mẹ.

Những chuyển biến của bản thân trong quá trình du học

Từ khi rời xa vòng tay của ba mẹ, đã gần 6 năm, mình cảm thấy mình đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, và đã giúp mình trưởng thành hơn. Tuy không có ba mẹ ở bên cạnh thúc ép mình chuyện học hành, nhưng mình luôn tự giác làm assignment và nộp trước due date, chứ không như xưa, chờ ‘nước tới chân mới nhảy’.

Mình cũng đã biết tự lo cho bản thân, biết chú trọng đến sức khoẻ hơn bằng cách tính lượng calories nạp vào cơ thể, nấu ăn riêng những món đồ diet và tập thể dục hàng ngày. Trong vòng 6 tháng, mình đã giảm từ 55 kg xuống còn 42.3 kg. Vì có sức khoẻ tốt, mình đã tình nguyện đi hiến máu 3 tháng 1 lần. Từ đó, mình bắt đầu tham gia những hoạt động tình nguyện hơn như ‘Clean Up Australia Day’, hoặc ‘Uni Representative’. Nhờ tham gia những hoạt động này, mình cảm thấy mình trở nên trưởng thành và lanh hơn hẳn.

Mình không còn là đứa con được ‘nâng như trứng hứng như hoa’ của ba mẹ khi xưa nữa. Nhờ được du học từ nhỏ, mình đã đúc kết được những kỹ năng từ nhỏ vốn dĩ mình đã không có, mình đã không còn ngại tiếp xúc với người nước ngoài, mình đã có thể tự chăm sóc cho bản thân và những người xung quanh những lúc họ cần và mình đã có thể tự tin khoe mẽ với ba mẹ và họ hàng rằng mình đã có những kiến thức tổng quát về xã hội, có thể áp dụng vào cuộc sống, chứ không còn ‘học nay quên mai’.

(Nguồn: VietUcNews)