DU HỌC MỸ

KINH NGHIỆM THUÊ NHÀ Ở ÚC CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM

Ở Úc có nhiều loại nhà ở cho sinh viên, và hẳn điều này khiến nhiều bạn rất bối rối, đặc biệt là khi bạn vẫn chưa biết nhiều về giá cả, lối sống, văn hóa của thành phố bạn sắp tới học.

Sau khi đã có giấy nhập học và visa Úc, điều các bạn sinh viên Việt Nam quan tâm tiếp theo là vấn đề về nhà ở. Khi sang Úc, sinh viên có thể chọn sống ở homestay, tức là sống với gia đình bản địa người Úc, tự thuê nhà, hoặc sống ở các khu nhà ở thiết kế cho sinh viên. Trước khi quyết định, hãy lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm thuê nhà của các sinh viên Việt Nam đang học tại Úc.

Quốc Anh và kinh nghiệm homestay

Nguyễn Quốc Anh lớn lên ở Hà Nội, và đến hết lớp 9 thì qua Brisbane để học trung học. Trong suốt 3 năm rưỡi trung học (từ lớp 10 - 12), Quốc Anh sống với một cặp vợ chồng khoảng 50 tuổi, người Anh di cư sang Úc. Trong nhà ngoài ra còn có một học sinh người Úc từ tây Úc và 2 người bạn Hồng Kông.

Kinh nghiệm thuê nhà ở Úc của sinh viên Việt Nam
Được sống với gia đình bản địa cũng giúp Quốc Anh tìm hiểu về nền văn hóa của họ và rèn luyện tiếng Anh.

Lý do Quốc Anh chọn homestay liên quan tới quy định về tuổi được sống tự lập: “Khi sang học trung học bên này mình còn dưới 18 tuổi, mà lại không sống cùng người lớn khác nên bắt buộc phải ở homestay”.

Theo Quốc Anh, lợi ích lớn nhất khi sống cùng gia đình Úc là bạn có thể tập trung vào học hành và không phải lo tới những chuyện cá nhân như giặt giũ, nấu nướng vì gia đình bản xứ sẽ làm giúp bạn. “Với các bạn còn nhỏ tuổi khi mới sang rất bỡ ngỡ (và có thể cũng không có kinh nghiệm làm việc nhà và chăm sóc bản thân) thì homestay đỡ đần nhiều”. “Thậm chí với các bạn đã lớn hơn, có thể học đại học hay cao học, thì việc không phải mất thời gian nấu nướng, giặt giũ, mua sắm đồ đạc cũng sẽ giúp ích nhiều”, Quốc Anh khuyên.

Quốc Anh kể lại một kỷ niệm đáng nhớ khi cậu thử rang cơm bên Úc. “Mở tủ lạnh ra thì mình thấy hộp còn cơm nên đem ra đưa vào chảo rang. Mặc dù đã cho đủ các nguyên luyện nhưng không hiểu sao mình vẫn thấy hạt cơm không săn lại như mẹ làm ở nhà. Lúc đang thắc mắc thì bà chủ nhà đi vào rồi nhìn vào chảo và nói rằng, đó là loại cơm dùng để làm món risotto chứ không phải để làm cơm rang”. Và đó là lúc Quốc Anh lần đầu biết thêm một món ăn mới - món risotto của Ý.

Nhưng sống homestay cũng có bất lợi riêng. Tuy Quốc Anh quan hệ tốt với gia đình của mình nhưng nhiều bạn của Quốc Anh đã phải đổi gia đình homestay đến 2 - 3 lần vì “không hợp với chủ nhà vì lý nào đó”.

Thiếu tự do cũng là bất tiện khác của homestay. Sống ở homestay nghĩa là bạn phải tuân theo luật lệ của nhà chủ như phải về nhà trước giờ nhất định, hay thời gian tắm cũng cần giới hạn.

Nhưng dù có những bất tiện như vậy, Quốc Anh vẫn yêu thích thời gian sống homestay của mình. Cặp vợ chồng người Úc đã trở thành những người bạn mới của Quốc Anh, giúp cậu vơi đi nỗi nhớ nhà và cảm giác lạc lõng khi mới sang: “Mặc dù đã tốt nghiệp và đi khỏi Brisbane nhưng tôi vẫn thường xuyên email cho nhà homestay để cập nhật cho họ tin tức về mình”.

Sao Mai và chuyện thuê nhà

Hiện là sinh viên năm thứ 3 ngành Tài chính ngân hàng và Marketing ở Đại học Monash, Sao Mai đã sống ở Úc được 2 năm.

Ngay từ khi sang Úc, Mai đã chọn việc thuê nhà thay vì ở homestay vì thấy homestay có nhiều bất tiện hơn. “Nếu không may mắn thì sẽ phải ở một nhà rất xa trường, thường là zone 2 (tàu) và cuộc sống thì gò bó với cuộc sống của gia đình đó” Sao Mai phân tích. Mai cũng không muốn sống tại ký túc của trường vì giá cả đắt đỏ. Do vậy trong suốt 2 năm qua Mai đã tự thuê nhà trọ, và đã ở 3 ba nhà khác nhau cùng với các sinh viên khác.

Theo Mai, qua kinh nghiệm thuê nhà và sống tự lập, Mai đã học được thêm nhiều điều và trưởng thành hơn. “Khi bạn thuê nhà với người khác (sharehouse) thì tiền thuê nhà sẽ không bao gồm hóa đơn điện, nước, ga, Internet mà những phí ấy sẽ tự trả, chia đầu người sau khi có hóa đơn tới ... bạn sẽ học được cách tiết kiệm, cân đối khi sử dụng, sẽ “được” lo những mối lo mà nếu khi bạn còn ở Việt Nam thì thường không nghĩ đến”, Sao Mai kể.

Nhưng thuê nhà cũng có những cái nhức đầu riêng. Rắc rối nhất, theo Mai, là khi tính đến chuyện chuyển nhà. Năm ngoái, Mai đã phải lo tìm người thế vào hợp đồng nhà khi muốn chuyển sang nhà mới: “Trong khoảng thời gian đấy, học hành đã rất bận, nhưng mình vẫn phải lo quảng cáo nhà, liên lạc, hẹn người đến xem nhà. Có rất nhiều người hỏi nhưng trong suốt 1 tháng vẫn không thể chốt được, lúc thì do điều kiện của người chủ nhà, lúc thì do phía bên người thuê”.

Thế nên, sau lần chuyển nhà vừa rồi, Mai rút ra kinh nghiệm là tránh ký thuê nhà trong hạn quá dài (hơn 1 năm) mà nên lựa chọn hợp đồng ngắn hạn và sau đó gia hạn thêm sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, vì Mai sống cùng các sinh viên khác nên nhiều khi không tránh khỏi xích mích trong nhà. Có lần Mai và bạn cùng nhà đã cãi nhau vì bạn kia kêu Mai giặt quần áo vào lúc 6 giờ sáng khiến bạn ấy không ngủ được. Mai cũng đã từng thấy rất phiền khi bạn cùng nhà chơi điện tử suốt đêm: “Nói chung là do lịch sinh hoạt khác nhau”.

Nhưng Mai cũng cho biết dù sống cùng nhà với người khác không tránh khỏi va chạm nhưng thuê nhà nhìn chung là “cơ hội tốt để có thêm bạn mới, phát triển quan hệ, như nhiều lúc nấu ăn cùng nhau, hoặc mở tiệc ăn uống tại nhà, mà không bị ai cấm đoán, nhắc nhở”.

Kinh nghiệm thuê nhà ở Úc của sinh viên Việt Nam
 Quỳnh Hương (ngoài cùng bên trái) và các bạn tại Unilodge. 

Quỳnh Hương và kinh nghiệm tại khu nhà cho sinh viên

Quỳnh Hương hiện là sinh viên năm 3 ngành Truyền thông tại Đại học Melbourne. Trong năm qua, Hương đã sống tại căn hộ ở Unilodge, hệ thống nhà ở cho sinh viên, gần trung tâm Melbourne với một học sinh trung học và một bạn khác học RMIT.

Theo Quỳnh Hương, cái lợi khi sống ở khu nhà ở thiết kế riêng cho sinh viên là sự an toàn. “Mình thấy an toàn, do có người trực khu nhà 24/24, nên không lo có vấn đề gì cả”. “Nhà mình ở kế Melbourne Central nên cũng tiện nữa. Có vấn đề gì liên quan đến nhà cửa đều được giải quyết rất nhanh, ví dụ như mất chìa khóa chẳng hạn”.

Sống cùng với các sinh viên khác, Quỳnh Hương cũng vơi đi nỗi nhớ nhà và có nhiều kỷ niệm đẹp: “Có một hôm báo cháy ... cả nhà cùng chạy xuống dưới nhà vẫn mặc áo ngủ các loại thế là mọi người cùng chụp ảnh “tự sướng”. Xong mặc nguyên đồ đó đi ăn ở Dessert Story”.

Điều Quỳnh Hương không thích ở Unilodge là khu nhà của bạn cũ hơn so với các tòa nhà khác, nên không được sạch sẽ bằng. Nhiều lần “cả nhà phải xông vào đập gián”, Hương kể. Trong khi đó, giá cả cũng đắt đỏ. Hương bảo phải trả 8 đô cho tiền giặt đồ, hơn mức bên ngoài khá nhiều.

(Nguồn: Baoduhoc)