DU HỌC NEW ZEALAND

Hệ Thống Y Tế ở New Zealand

Hệ thống y tế nhà nước của New Zealand có chất lượng rất tốt, nhờ vào tiền đóng thuế của người dân. Hầu như các điều trị tại bệnh viện công là miễn phí, ngoài ra nhiều dịch vụ y tế ngoài và thuốc được nhà nước trợ giá rất nhiều.

Vì bệnh viện công miễn phí nên thường bạn phải nằm trong danh sách chờ chữa trị. Người ta sẽ xét xem ai cần hơn, ai ốm nặng hơn thì được chữa trước.

Cơ sở y tế ở đây rất sạch sẽ, thoáng, đầy đủ tiện nghi. Bác sỹ, y tá, nhân viên rất tốt và nhiệt tình, yêu nghề, không nhận đút lót.

Mỗi người dân ở đây từ lúc sinh ra hoặc lúc vào thường trú dân sẽ được cấp 1 số quản lý sức khỏe NHI (National Health Index) để Bộ y tế quản lý, chăm sóc tốt hơn, tránh nhầm lẫn.

Khi bạn đăng ký gặp bác sỹ hoặc vào bệnh viện người ta sẽ hỏi số NHI. 

Hệ thống y tế của New Zealand chia ra 2 phần: chăm sóc cơ bản (primary healthcare) và chăm sóc cấp hai (Secondary healthcare)

Đi khám bác sỹ. Chăm sóc cơ bản. Mất tiền

Khi bạn bị ốm hoặc thấy trong người bất thường, không khỏe thì bạn phải đến gặp bác sỹ gia đình (tiếng Anh: family doctor, local doctor, general practitioner – GP) ở gần nhà, chỗ làm trước (Chăm sóc cơ bản) Nếu bác sĩ thấy bạn cần phải đến bệnh viện điều trị hoặc đi gặp bác sỹ chuyên khoa thì họ sẽ chuyển, hướng dẫn bạn đến đó (Chăm sóc cấp 2). Tuy điều trị ở bệnh viện là miễn phí nhưng bạn phải trả tiền khi đi gặp bác sỹ gia đình. Mỗi lần gặp bác sỹ mất khoảng $45-$80 ngày thường, và thêm $10-$15 sau giờ làm việc hoặc cuối tuần. Trẻ em dưới 6 tuổi đi khám bác sỹ được miễn phí, trẻ em dưới 17 tuổi được giảm giá.

Thường bạn phải hẹn, đặt lịch trước với bác sỹ. 

Nếu bạn đăng ký thành viên với bác sỹ hoặc phòng khám đó thì bạn sẽ được:

  • giảm giá cho mỗi lần khám
  • chỉ phải trả $5 cho mỗi lần xin đơn thuốc
  • miễn phí dịch vụ phiên dịch tiếng Việt
  • bác sỹ sẽ nhắc bạn thử máu, khám sức khỏe, tiêm vắc-xin theo định kỳ

Vào bệnh viện điều trị. Chăm sóc cấp 2. Miễn phí, phải chờ.

Ai mới được sử dụng dịch vụ y tế công cộng miễn phí?

  • Công dân New Zealand hoặc Thường Trú Dân Vĩnh Viễn (Permanent Resident) hoặc vợ chồng, con cái (dưới 19 tuổi) của họ.
  • Người có visa work trên 2 năm
  • Người tị nạn
  • Công dân Úc đã hoặc định ở New Zealand trên 2 năm
  • Công dân đảo Cook Islands

Một số dịch vụ y tế có thể được cung cấp miễn phí cho những trường hơp đặc biệt sau:

  • Người bị tai nạn ở New Zealand
  • Khách du lịch quốc tịch Anh hoặc Úc cần cứu chữa khẩn cấp
  • Phụ nữ có thai
  • Phụ nữ có thai mang virus HIV
  • Người đang chờ xét work visa, resident visa và được cấp sau khi điều trị
  • Một số trường hợp đặc biệt khác.

Hệ thống y tế công cộng thì bao gồm những gì:

  • Chữa bệnh miễn phí ở bệnh viện, bao gồm cấp cứu 24 giờ
  • Hầu hết thử máu, x-quang
  • Chăm sóc thời kỳ mang thai
  • Trợ giá thuốc
  • Miễn phí bác sỹ chuyên khoa
  • Miễn phí tiêm chủng, vắc xin cho trẻ em
  • Miễn phí thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi và giảm giá khi đi gặp bác sỹ
  • Khám chữa răng miễn phí cho trẻ em
  • Kiểm tra ung thư vú miễn phí cho phụ nữ 45 – 69 tuổi

Sao người ta nói nếu bị tai nạn thì được chữa miễn phí, không phải trả tiền?

Nếu bạn chẳng may bị tai nạn, bạn sẽ được điều trị miễn phí tại bệnh viên, kể cả bạn là dân du lịch hay du học. ACC (viết tắt của The Accident Compensation Corporation ) sẽ giúp trả các chi phí liên quan sau khi bạn rời bệnh viện. Nếu tai nạn đó ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn, ACC sẽ hỗ trợ tiền cho bạn tùy vào thu nhập. Họ còn trả các tiền như phương tiện đi lại, dịch vụ chăm sóc tại nhà….

Thế sao nhiều người vẫn mua bảo hiểm y tế chứ không chữa ở bệnh viện?

Mặc dù hệ thống y tế nhà nước ở New Zealand miễn phí và tốt hơn nhiều so với Việt Nam, nhiều người ở đây vẫn chọn mua bảo hiểm y tế tư nhân để đỡ phải chờ, được chữa luôn và chất lượng điều trị còn tốt hơn.

Khám chữa răng có được miễn phí không?

Trẻ em dưới 18 tuổi được khám và chăm sóc răng cơ bản miễn phí. Trên 18 tuổi thì phải trả tiền và giá rất đắt. Trung bình khám, đánh cao răng ở đây vào khoảng hơn $100, chiếu x-quang $50, bọc răng sứ $1000-$1500/cái, trồng răng giả $5500/cái

Với sinh viên du học và khách du lịch Việt Nam:

Sinh viên quốc tế bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế ở New Zealand. Việc mua bảo hiểm vẫn còn lạ lẫm và được xem là không cần thiết trong văn hóa người Việt nhưng mình khuyên bạn dù là sinh viên du học hay du lịch thì nên mua và mua hãng có tiếng. Khi bạn bị ốm phải đi gặp bác sỹ bạn sẽ lấy lại được tiền. Ngoài ra bạn còn được trả tiền mua kính mắt, kính cận. Rất nhiều các bạn sinh viên, working holiday visa, khách du lịch sang bên này đột nhiên bị ốm, ngất, đau ruột thừa, đau tim… Phải đưa vào bệnh viện với hóa đơn lên đến $5,000 – $10,000 là chuyện bình thường. Nếu không có bảo hiểm thì các bạn đó không thể trả nổi.

(Nguồn: CS New Zealand)