DU HỌC MỸ

TỰ TIN XÁCH BALO LÊN VÀ ĐI DU HỌC MỸ

Du học được coi là bước ngoặt lớn với bất kỳ bạn trẻ nào. Việc rời xa gia đình, bạn bè, lối sống quen thuộc để thích nghi với môi trường sống mới, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo để có thể chủ động với cuộc sống bên trời Tây. BHD đã có cuộc trao đổi với cô Cristina, trưởng phòng đào tạo Học viện IvyPrep về những kiến thức cơ bản nhất một du học sinh cần có làm hành trang du học Mỹ

Những gì nên mang theo?

BDH: Chào cô Cristina, cô có thể chia sẻ về hành trang không thể thiếu của một du học sinh?

Cô Cristina: Để có thể bước vào một môi trường mới với tâm thế thật chủ động, không có gì cần thiết bằng việc chuẩn bị thật kĩ lưỡng. Trước hết, các em hãy lập cho mình một checklist những đồ vật cần mang theo. Checklist này phải được lên một cách khoa học với những hạng mục lớn với các đầu mục nhỏ để kiếm soát. Tiếp đó, các em cần có kiến thức phân loại và lựa chọn những gì nên mang theo và những gì có thể mua tại Mỹ.

Ví dụ, với đồ dùng cá nhân, đặc biệt là quần áo, các em không nên mang theo quá nhiều vì phong cách của Mỹ có đôi chút khác biệt với châu Á. Hơn nữa, ở Mỹ thường giặt xong là sấy nóng nên các em cần lưu ý vải sẽ bị rút. Tốt nhất là qua Mỹ hãy mua, vừa hợp gu vừa không bị hư hỏng.

Hộ chiếu, visa và tờ khai I-94 được coi là bộ giấy tờ sẽ dính liền đến nhau và có giá trị quyết định đến việc các em được hợp pháp ra vào nước Mỹ trong suốt một năm đầu kể từ ngày được cấp visa.

Nhiều em chuẩn bị rất nhiều tiền mặt mang theo để dự phòng, nhưng theo luật, các em chỉ được mang theo tối đa là $7000 đô la Mỹ. Trước khi lên đường, các em nên đổi khoảng $100 đô là sang tiền lẻ mệnh giá một hoặc năm đô la đề dùng dọc đường.

Những gì nên làm khi tới Mỹ?

BDH: Nhiều bạn học sinh khi mới sang Mỹ cảm thấy rất bối rối không biết nên bắt đầu từ đâu với ngôi trường mới của mình, cô có lời khuyên nào với các bạn không?

Cô Cristina: Các em hãy yên tâm bởi vì trước khi bước vào năm học mới, luôn có một ngày Orientation Day (tạm gọi là ngày giới thiệu về trường) dành cho các em sinh viên mới. Hơn nữa, đối với sinh viên năm nhất thì việc tham dự Orientation Day là điều bắt buộc. Trong buổi Orientation này, sinh viên sẽ được cung cấp thông tin toàn diện về ngôi trường, các ban, ngành chủ chốt giải quyết các vấn đề của sinh viên. Đây cũng chính là cơ hội để các em có thể gặp gỡ những người quản lý nhà trường, bạn bè cùng khóa với mình cũng như được làm thẻ sinh viên, đăng ký môn học, mua bảo hiểm… Do đó, đừng bỏ lỡ ngày quan trọng này nhé.

Những điều cấm kỵ khi sống tại Mỹ

BDH: Mỹ được coi là đất nước đa văn hóa, đa chủng tộc, việc sốc văn hóa là điều có thể dễ dàng xảy ra nếu các em học sinh không có kiến thức cơ bản. Cô có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?

Cô Cristina: Để có thể tự tin sống cùng những người bạn mới, không có cách nào khác ngoài việc tìm hiểu nền văn hóa của họ. Cô có thể lấy một vài ví dụ tiêu biểu như tại Mỹ, khi rủ các bạn đi ăn, em sẽ không được trả tiền cho mọi người giống như thói quen tranh nhau trả tiền ở Việt Nam. Đây được coi là một điều cấm kỵ bởi cách làm này khiến người Mỹ thấy rằng, họ đang nợ người khác, và cảm thấy rất khó chịu.

Không được đạo văn sẽ là một chú ý cực ký quan trọng với mỗi bạn học sinh. Một số du học sinh do không biết nên đến kỳ thi cứ thoải mái tra Google và chép vào bài làm của mình, coi như sản phẩm của mình mà quên rằng các trường trên thế giới rất dị ứng với nạn “đạo văn”. Họ sẽ xử rất nghiêm những trường hợp này. Có trường còn có hệ thống “quét” bài làm, nếu bài làm có phần nào chép từ Google là họ sẽ dò ra ngay và sẽ bị đánh rớt môn học. Nhiều trường còn đặt “đạo văn” thành vấn đề đạo đức trong học thuật và có luật lệ để giáo dục sinh viên.

Cảm ơn cô đã tham gia trả lời phỏng vấn!

(Nguồn: Hocbonghay)