DU HỌC CANADA

THIẾU HỤT LAO ĐỘNG, CANADA THU HÚT MẠNH MẼ SINH VIÊN NƯỚC NGOÀI

Người dân Canada chỉ cung ứng được tối đa 70% nhu cầu trong tổng số 6.5 triệu lao động mà nước này cần tính đến 2020. Do đó, chính phủ Canada đang đưa ra hàng loạt chính sách hấp dẫn để thu hút du học sinh quốc tế ở lại làm việc tại đây.

Canada – Quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng và linh hoạt nhất thế giới

Không những tự hào vì có được các thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp và diện tích rộng lớn thứ 2 thế giới, Canada còn là một trong các cường quốc công nghiệp với sự phát triển vượt bậc về kinh tế và sở hữu hệ thống chính trị, thương mại, văn hóa cùng cơ sở vật chất hàng đầu.

Về kinh tế, Canada không chỉ là một trong mười quốc gia hàng đầu trong công nghiệp sản xuất mà còn là một cường quốc kỹ thuật tiên tiến và công nghiệp dịch vụ với 3/4 dân số làm việc trong lĩnh vực này. Với nền kinh tế tri thức cùng sự đa dạng về ngành nghề, kinh tế của Canada không ngừng lớn mạnh nhờ việc ứng dụng kỹ thuật cao cũng như không còn phụ thuộc vào nhiều vào tài nguyên thiên nhiên như trước đây.

Trải qua khủng hoảng kinh tế, Canada được biết đến như một quốc gia kiểu mẫu về sự linh hoạt và nhanh nhạy, vượt lên đầu sóng để tiến nhanh hơn. Quốc gia này khiến thế giới nể phục vì giữ mức tăng trường GDP ổn định 2%/năm, GDP năm 2013 cán mốc 1,825 nghìn tỷ USD, GDP bình quân đầu người ở mức 51,990 USD thuộc hàng top toàn cầu. Kinh tế Canada vẫn tiếp tục phát triển bền vững với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất nhóm G7, lãi suất thấp kỷ lục giữ vững từ năm 1990 đến năm 2014 là 6.1%, tỷ lệ lạm phát ổn định và được kiểm soát ở mức thấp nhất. 

Thị trường lao động Canada – niềm mơ ước của các quốc gia và người lao động

Vào tháng 7 năm 2009, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu chưa phục hồi nhưng nền kinh tế Canada đã mở rộng với tốc độ vượt trội so với G7 và thị trường lao động đã bắt nhịp nhanh chóng với hơn 1,6 triệu việc làm mới. Hơn nữa nhóm lao động có mức lương cao, tay nghề cao, công việc toàn thời gian và trong lĩnh vực tư nhân đã trở thành các nguồn chính trong việc tạo công ăn việc làm trong suốt quá trình phục hồi nền kinh tế. Đây là minh chứng thuyết phục nhất cho một nền kinh tế thống nhất theo quản lý của chính phủ nhưng đầy linh hoạt và mềm dẻo để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu tính cả lao động part-time, có đến 76% dân số Canada tham gia vào thị trường lao động (với độ tuổi từ 15-74) và là cao nhất trong G7. Trong đó đến hơn 70% số người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, kế đến là các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp…

 

Dựa vào hàng loạt các chính sách hấp dẫn và đầu tư mạnh mẽ để hướng tới thị trường lao động chất lượng cao, Canada được xem là điển hình về sự minh bạch trong hệ thống việc làm và sự kết nối tuyệt vời giữa đào tạo và nhu cầu tương lai của nền kinh tế; giữa người lao động với thông tin tuyển dụng và nhà tuyển dụng. Với tất cả những nỗ lực đó, Canada đã xác định được chi tiết về số lượng lao động cần thiết trong vòng 10 năm thậm chí 20 năm, dự đoán khả năng đáp ứng của người dân Canada và tính ra sự thiếu hụt cần có giải pháp để bù đắp phục vụ phát triển kinh tế. Nếu chỉ tính lao động full-time, giai đoạn 2011 – 2020 Canada cần tới 6.5 triệu lao động mới và 2/3 số lao động này tập trung tại nhóm có kỹ năng cao, yêu cầu tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Trong lúc đó, người Canada chỉ đáp ứng được tối đa là 70%, 30% lao động còn lại được định hướng mạnh mẽ vào việc thu hút sinh viên quốc tế học tập và ở lại nơi đây.

 

Canada – Thiên đường để học tập, làm việc và định cư cho du học sinh quốc tế

Nếu như Úc, Anh, Mỹ, Singapore… thu hút sinh viên quốc tế để phát triển xuất khẩu dịch vụ giáo dục thì Canada lại đặc biệt nhấn mạnh sự chào đón sinh viên quốc tế đến đây để được học tập, trải nghiệm và tiếp tục ở lại làm việc, đóng góp cho nền kinh tế. Điều này thể hiện mạnh mẽ trong hàng loạt chính sách khuyến khích của chính phủ gồm có:

Thứ nhất: Chính phủ Canada hỗ trợ tài chính lớn cho giáo dục, dẫn đến học phí và chi phí sinh hoạt của du học sinh thấp hơn hẳn các nước khác. Được biết đến là nước chi cho giáo dục lớn nhất G7, chính phủ Canada dành tới 5.2% GDP để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, các nguồn chi từ người dân cũng chiếm 1.8% GDP. Quốc gia này xem giáo dục là sự đầu tư lớn lao để phục vụ phát triển nền kinh tế. Chi phí học tập trung bình mỗi năm của du học sinh tại Canada chỉ 20,000 CAD (tương đương 400 triệu VNĐ), rẻ hơn rất nhiều so với Anh 20,000 GBP (tương đương 700 triệu VNĐ), Úc 40,000 AUD (tương đương 800 triệu VNĐ)…

Thứ hai: Chính phủ công bố minh bạch các ngành nghề cần lao động nước ngoài tại Canada cũng như các tỉnh bang và vùng lãnh thổ. Thậm chí thông tin rõ ràng về mô tả công việc, trình độ đào tạo cần thiết và gợi ý cả cơ sở đào tạo mà du học sinh nên theo học. Sự quy hoạch mang tính hệ thống các chương trình đào tạo và cấp độ để đảm bảo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên là cao nhất, giảm lãng phí chi phí đào tạo đến mức tối thiểu.

Thứ ba: Chính phủ ngày càng cải tiến về quy trình cấp xét visa. Đặc biệt từ 01/06/2014 sinh viên quốc tế không cần phải chờ sau 6 tháng mới được cấp work permit mà được cấp tự động ngay khi nhận visa sinh viên. Đây là động thái tích cực nhất thể hiện mong muốn sinh viên quốc tế tham gia sớm hơn và có điều kiện hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế trong quá trình học tập, tạo tiền đề vững chắc về kinh nghiệm để chính thức tham gia thị trường lao động Canada trong tương lai. Chính phủ cho phép sinh viên làm thêm 20h/tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong thời gian nghỉ. Thêm vào đó, các cơ sở đào tạo tăng cường nhiều các chương trình thực tập (Internship) hoặc thực tập hưởng lương (Co-op). Đây không những là một giải pháp nâng cao trình độ cho sinh viên quốc tế mà còn là biện pháp ngắn hạn và tức thời cho thị trường lao động Part-time có nhu cầu rất cao tại Canada.

Thứ tư: Chính phủ Canada cho phép sinh viên quốc tế thuộc các chương trình cao đẳng trở lên được ở lại Canada từ 1-3 năm để tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Sau khi có việc làm full-time từ 6 tháng đến 1 năm, sinh viên quốc tế có thể nộp hồ sơ xin định cư tại Canada và hưởng nhiều phúc lợi từ chính phủ nước này.

Thứ năm: Ngoài chính sách khuyến khích chung của Canada, mỗi tỉnh bang lại có các chính sách riêng để thu hút sinh viên quốc tế đến làm việc như miễn bảo hiểm y tế và hoàn trả học phí lên tới 60% tại Manitoba và Saskatchewan, miễn thuế tỉnh bang tại Alberta … 

Với những chính sách hấp dẫn được nêu trên, Canada hiện có đến 22% người lao động có độ tuổi từ 25-64 là người nhập cư và hơn 35% sinh viên quốc tế lựa chọn ở lại làm việc sau tốt nghiệp. Đây được xem là nguồn cung quan trọng về lao động trình độ cao đối với thị trường Canada và cũng là tỉ lệ cao nhất trong số các nước OECD, bao gồm Úc, Anh và New Zealand. Phần lớn sinh viên quốc tế tập trung trong nhóm lao động có trình độ tốt nghiệp đại học và cao đẳng, phù hợp với nhu cầu hiện tại của thị trường nước này. 30% nhu cầu công việc mới tại Canada là do sinh viên quốc tế đảm nhận và nước này cũng có tỷ lệ nhập cư cao nhất khổi G7.

Những ngành nghề nào cần nhiều lao động quốc tế nhập cư tại Canada?

Hằng năm chính phủ Canada luôn có những báo cáo cụ thể về số lượng lao động còn thiếu trong từng ngành nghề trên cả nước và từng tỉnh bang, vùng lãnh thổ một cách minh bạch. Sau khi xem xét chi tiết về khả năng cung ứng nhân lực cho nền kinh tế của người dân Canada, Hạ viện nước này đã cung cấp danh sách 7 ngành nghề cần nhiều số lượng lao động nước ngoài nhất giai đoạn 2011 – 2020.  

Theo đó, hầu hết các ngành có nhu cầu lao động cao nằm tại nhóm sinh viên tốt nghiệp các chương trình nghề như cao đẳng (Diploma), sau đại học (Post-Graduate) được đào tạo tại các College. Đây cũng là điểm thuận lợi cho sinh viên Việt Nam khi các chương trình này có mức học phí thấp (chỉ từ 11.000 CAD – 16.000 CAD/năm, tương đương 200 – 300 triệu VNĐ), thời gian học ngắn (2 năm đối với chương trình cao đẳng và 8 tháng đối với chương trình sau đại học), điều kiện đầu vào đơn giản (không yêu cầu IELTS, điểm trung bình chỉ từ 6.5, không yêu cầu kinh nghiệm).

(Nguồn: Baodantri)